Lãnh đạo tỉnh nói cán bộ y tế 'hoang mang, lo sợ' trong mua sắm thuốc, vật tư y tế…
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:43, 21/08/2022
Tỷ lệ bác sĩ ở trạm chỉ đáp ứng 30%
Tại hội nghị trực tuyến nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sáng 21.8, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết hệ thống y tế tại tỉnh Lai Châu nổi lên một số vướng mắc.
Trước tiên là khó trong tuyển dụng cán bộ, nhân viên y tế và thiếu bác sĩ chuyên khoa. Năm 2021, có 103 biên chế và tổ chức thi nhưng chỉ có 44 hồ sơ đăng ký. Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ ở các trạm y tế cũng thiếu, chỉ đáp ứng khoảng 30%.
Ngoài ra, việc triển khai nông thôn mới, trong đó các xã hoàn thành nông thôn mới thì từ vùng 2, vùng 3 trở xuống được ưu tiên chi trả hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, chi trả bảo hiểm y tế tại tỉnh năm qua giảm mạnh.
Theo đó, tỉnh Lai Châu mong Thủ tướng và các bộ ngành có chính sách đãi ngộ xứng đáng với các y bác sĩ và phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết 20 đã có chủ trương rõ về việc này và nhấn mạnh phải có chính sách đủ mạnh để khuyến khích cán bộ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới và hải đảo.
Ông Dũng cũng cho biết trước đây, có chính sách luân phiên cán bộ từ bệnh viện Trung ương về các tỉnh, hiệu quả rất tốt trong việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường nhân lực cho địa phương. Nhưng nay, chính sách không còn được triển khai nữa. Vì vậy, đề nghị Bộ Y tế cân nhắc thêm về việc tiếp tục triển khai luân phiên cán bộ từ tuyến Trung ương đến các tỉnh.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cũng chia sẻ rằng thành phố đang gặp phải một số vướng mắc. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chủng mới. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng gia tăng gây nhiều áp lực lên ngành y tế.
Vấn đề thứ hai là tâm lý của đội ngũ cán bộ quản lý y bác sĩ. Hiện nay có một bộ phận hoang mang, bất ổn, lo sợ, không an tâm do một số bất cập hiện nay, nhất là liên quan đến công tác mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Một số bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ công tác. 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố có 111 nhân viên y tế xin thôi việc, trong đó có 48 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 5 kỹ thuật và 24 nhân viên y tế khác. Việc này gây ảnh hưởng đến đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế chung của ngành y tế thành phố.
Vấn đề nữa là việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập dẫn đến tình trạng mất cân đối thu chi, ảnh hưởng chính sách tiền lương, phúc lợi, thu hút nhân tài, ảnh hưởng rất lớn đến việc tự chủ các bệnh viện.
Lãnh đạo Cần Thơ cho biết mặc dù chuyển từ phí sang giá theo quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh nhưng các dịch vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao cho đơn vị. Đây không phải dịch vụ thuộc các đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư 78 ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ. Các dịch vụ này vẫn thuộc đối tượng dịch vụ sử nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Sớm tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế
TP.Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu từ dịch vụ khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế; dịch vụ khám bệnh chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong phạm vi khung giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh theo quy định có cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng chưa được tính đầy đủ chi phí.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế có quy định cụ thể về tổ chức hoạt động, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh chữa bệnh công lập. Nhu cầu này hiện nay rất cần thiết, nhất là các đơn vị tự chủ nhằm cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn thu cho đơn vị; thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thanh toán giá dịch vụ kỹ thuật gây tê gây mê, sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn việc thực hiện thủ tục đầu tư theo hình thức công tư, mua sắm, liên danh, liên kết trang thiết bị y tế theo quy định của Nghị định 151 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng cho hay công tác đấu thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế hiện nay đang có khó khăn rất lớn diễn ra trên cả nước. Rất mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ vấn đề này để làm yên tâm cho đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Không để tình trạng này kéo dài, vừa làm khó khăn cho ngành, vừa gây khó khăn cho người dân.
Theo ông Thanh, thời gian qua, các địa phương ở Quảng Nam ở miền núi rất khó khăn với đội ngũ cán bộ y tế. Do đó cần có chính sách sớm để tuyển dụng và sử dụng đội ngũ này, đặc biệt ở những lĩnh vực có tính chuyên môn cao và khó khăn như tâm thần, lao phổi… và nên có cơ chế, chính sách cho những ngành đặc thù như vậy.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ Y tế quan tâm tới những góp ý của TP.HCM đối với Dự thảo Luật Khám chữa bệnh và một số góp ý khác mà thành phố đã gửi Bộ Y tế trong thời gian qua.
Đồng thời, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý về công tác đấu thầu, mua sắm, mua thuốc có chất lượng với giá thành hợp lý. Mong có thêm các cơ chế chính sách nhằm cải thiện tiền lương và thu nhập cho nhân viên y tế.