Hawaii chấm dứt tranh cãi về kính viễn vọng trên một đỉnh núi tâm linh
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:53, 21/08/2022
Các nhà thiên văn rất thích đỉnh Mauna Kea, xem đây là một trong những địa điểm tốt nhất trên thế giới để nghiên cứu vũ trụ từ bắc bán cầu. Đỉnh núi lửa đã chết này cách mực nước biển 4.207 mét, có bầu trời đêm trong vắt, không khí khô và chỉ bị ô nhiễm nhẹ.
50 năm qua, hàng chục kính viễn vọng “ngự trị” trên đỉnh Mauna Kea, giữ vai trò chính giúp loài người hiểu sâu hơn về vũ trụ, gồm thu được vài ảnh đầu tiên chụp các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời.
Nhà thiên văn Andrea Ghez từng dùng một kính viễn vọng trên đỉnh, để chứng minh sự tồn tại của một lỗ đen khổng lồ nằm giữa dải thiên hà của loài người, từ đó bà chia sẻ giải Nobel Vật lý năm 2020.
Kính viễn vọng “phạm” địa điểm tâm linh của thổ dân Hawaii
Nhưng các kính viễn vọng làm thay đổi cảnh quan đỉnh Mauna Kea, một núi thiêng đối với thổ dân Hawaii. Họ xem đỉnh núi là chốn ngự của các vị thần và loài người không được sống ở đây.
Một bài hát dân cổ xưa nói Mauna Kea là con cả của Wakea và Papawalinu’u, hai phiên bản nam và nữ của nguồn gốc tất cả các sự sống. Ngày nay, núi Mauna Kea kéo mây và mưa giúp rừng phát triển và có nguồn nước ngọt cho các cộng đồng cư dân sống trên Đảo Lớn của Hawaii.
Vì muốn bảo vệ đỉnh núi mang tầm quan trọng về mặt tâm linh này, nhóm thổ dân “Kia’i” (Người bảo vệ Núi Mauna Kea) tổ chức cuộc phản đối năm 2019, nhằm chặn kế hoạch xây kính viễn vọng 30 mét (TMT).
Công trình kính viễn vọng lớn nhất và hiện đại nhất thế giới trị giá 2,65 tỉ USD này có sự hỗ trợ của Đại học California cùng các tổ chức khác.
Vụ phản đối của nhóm “Kia’i” khiến cảnh sát bắt 38 thổ dân Hawaii, chỉ khiến thu hút thêm nhiều người phản đối, cắm trại trên đỉnh Mauna Kea.
Vài tháng sau, cảnh sát rút lui, sau khi TMT tuyên bố sẽ không lập tức xây dựng công trình. Dù vậy, người phản đối tiếp tục cắm trại, cho đến tháng 3.2020 thì rút vì lo ngại dịch bệnh COVID-19.
Diễn biến này buộc các nhà hành pháp Hawaii phải tìm một cách tiếp cận mới. Kết quả là luật mới qui định phải gìn giữ ngọn núi Mauna Kea cho các thế hệ sau, và khoa học phải cân bằng với văn hóa và môi trường.
Ngoài ra, Cơ quan quản lý-giám sát Núi Mauna Kea sẽ tìm hiểu liệu các nhà thiên văn có thể tìm ra một cách nghiên cứu vũ trụ - có sự tôn trọng và chịu trách nhiệm - trên những vùng đất của thổ dân Hawaii và các vùng đất có ý nghĩa về văn hóa, hay không.
Trong cơ quan này, các chuyên gia về văn hóa người thổ dân Hawaii sẽ có quyền bỏ phiếu, khác với trước đây họ chỉ có góp ý kiến cho các nhà quản lý ngọn núi này. Cơ quan mới sẽ có một thành viên được công nhận là người thực hành văn hóa thổ dân Hawaii, và một người khác là hậu duệ trực tiếp của một người thực hành các truyền thống của núi Mauna Kea.
Cơ quan điều hành mới có 11 thành viên có quyền bỏ phiếu. Thống đốc bang Hawaii sẽ chỉ định 8 thành viên. Thống đốc David Ige chưa xác định ngày chọn các ứng viên vốn sẽ cần có sự phê chuẩn của Thượng viện bang.
Các nhà lập pháp Hawaii soạn luật sau khi một nhóm chuyên gia văn hóa thổ dân Hawaii, người phản đối, nhân công của các đài thiên văn và quan chức bang đã họp để bàn vấn đề Mauna Kea. Báo cáo của họ có giành một phần lớn đề cập ý nghĩa lịch sử và văn hóa của ngọn núi - đã làm nên cơ sở cho luật mới.
Nhiều Kia’i đã tham gia nhóm làm việc này, ủng hộ cơ quan điều hành mới. Một thủ lĩnh Kia’i được chủ tịch Hạ viện bang Hawaii đề cử làm thành viên cơ quan này.
Shane Palacat-Nelsen, một thổ dân Hawaii tham gia soạn báo cáo, nói các câu chuyện cổ xưa của thổ dân Hawaii sẽ giúp cơ quan điều hành xác định tầm cỡ các công trình nhân tạo -như kính viễn vọng-nên có trên đỉnh Mauna kea.
Ông nói :“Chúng tôi đã ở đây từ nhiều thế kỷ. Chúng tôi không biến mất, chúng tôi vẫn còn đây. Và chúng tôi có tri thức sẽ giúp đưa ra một giải pháp quản lý dễ thực hiện hơn và toàn diện hơn”.
Hợp đồng cho thuê đất công dựng đài thiên văn sẽ hết hạn năm 2033
Trong khi đó, vấn đề TMT vẫn chưa giải quyết xong, và người ủng hộ vẫn muốn xây đài thiên văn hiện đại này trên đỉnh Mauna Kea, dù họ đã chọn một điểm dự phòng ở quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Các nhà thiên văn còn đang hy vọng họ sẽ có thể gia hạn hợp đồng thuê đất công bên dưới các kính viễn vọng hiện nay, nhằm có thể tiếp tục có được những phát hiện khoa học có tính cách mạng trong hàng chục năm tới.
Hy vọng này có sự ủng hộ của các doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị muốn ngành thiên văn sẽ tạo ra nhiều việc làm lương cao, vào lúc Hawaii phải lo đa dạng hóa nền kinh tế bang vốn dựa mạnh vào du lịch.
Vấn đề chính ở chỗ chưa có cuộc đàm phán nào nhằm có thể hợp đồng thuê đất công trên đỉnh trên đỉnh Mauna Kea.
Vào năm 1968, chính quyền bang Hawaii đã cho Đại học Hawaii thuê vùng đất này, sau đó trường cho các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới thuê lại, đổi lại trường được chia sẻ khung giờ sử dụng kính viễn vọng để quan sát vũ trụ.
Hợp đồng cho thuê đất trên đỉnh Mauna Kea có thời hạn 65 năm, còn 11 năm nữa sẽ hết hạn vào năm 2033. Hợp đồng qui định phải phá dỡ. Tất cả kính viễn vọng hiện nay, trả lại nguyên trạng cho chính quyền bang, nếu như chính quyền không quyết gia hạn hợp đồng.
Lãnh đạo khoa thiên văn của Đại học Hawaii, ông Doug Simons nói sẽ phải mất ít nhất 5-6 năm mới phá dỡ xong các kính viễn vọng cùng các cơ sở hạ tầng liên quan. Điều đó có nghĩa hợp đồng mới hoặc gia hạn sẽ phải có sẵn từ năm 2027, nếu không thì các đài thiên văn sẽ phải chịu cảnh bị phá dỡ.
Ông Simons nói cho biết ông đang hối sớm lập nên cơ quan điều hành mới, để có thể dành nhiều thời gian cho việc đàm phán hợp đồng mới cùng các thách thức pháp lý không thể tránh được.