Huyện U Minh tận dụng lợi thế rừng để phát triển du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 21:14, 21/08/2022
Kinh tế rừng được xem là thế mạnh của huyện U Minh (Cà Mau). Những năm gần đây, địa phương luôn đổi mới cách thức xuống giống gieo trồng và đã gặt hái được nhiều thành tựu. Cụ thể, bằng việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên cây trồng lớn nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch nên đời sống của người trồng rừng ở địa phương rất ổn định.
Nhiều hộ gia đình có đời sống khấm khá nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Nhiều hộ còn biết tận dụng những nét đẹp hoang sơ từ rừng và nét văn hóa bản địa để phát triển du lịch. Từ đó, đời sống của người dân trở nên khá, giàu nên xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần đáng kể vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của huyện U Minh.
Về những lợi ích từ kinh tế rừng mang lại, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh để có cái nhìn rõ hơn về lợi ích của kinh tế rừng.
- Thưa ông, kinh tế rừng được xem là thế mạnh của huyện U Minh. Vừa qua, địa phương đã làm gì để phát triển lĩnh vực này và hiệu quả mang lại ra sao? Người dân địa phương có cuộc sống thế nào từ việc trồng rừng?
- Ông Lê Hồng Thịnh: Huyện U Minh có diện tích tự nhiên hơn 77.589ha, trong đó diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là 38.092ha; diện tích đất có rừng 32.235ha. Trong những năm qua huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn cấp huyện có liên quan, phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh, đơn vị chủ rừng được giao quản lý bảo vệ và phát triển rừng chủ động đầu tư trồng rừng thâm canh theo định hướng của ngành lâm nghiệp với 3 loại cây chủ lực là keo lai, tràm cừ bản địa, tràm Úc. Trong đó, keo lai được chọn là cây trồng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế rừng.
Hiện nay trồng rừng thâm canh được xem là bước đột phá trong sản xuất rừng của huyện U Minh. Với kỹ thuật xẻ mương, lên liếp, cây tràm cừ bản địa, tràm Úc và cây keo lai phát triển rất nhanh đã rút ngắn được chu kỳ khai thác và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nếu trước đây, cây tràm cừ trồng theo mô hình quảng canh truyền thống phải mất khoảng 15 năm mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ còn 5 - 7 năm, về năng suất và chất lượng cũng cao hơn. Đặc biệt, cây keo lai sau 5 năm trồng và chăm sóc, giá bán tương đối ổn định.
Ngoài ra, địa phương cũng đang định hướng phát triển các mô hình “trồng cây ăn trái và rau màu kết hợp du lịch cộng đồng” dưới tán rừng; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc như VietGAP, hữu cơ… từ đó giúp tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập, tạo sinh kế ổn định và nâng cao thu nhập của người dân, nhằm lấy ngắn nuôi dài trong bảo vệ và phát triển rừng.
Hiện tại, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng kết hợp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sinh thái nên thu nhập và cuộc sống của người dân tốt hơn. Đặc biệt định hướng phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái đang là hướng đi mới trong tương lai góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân và quảng bá thế mạnh hệ sinh thái rừng tràm của địa phương.
- Kinh tế rừng và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện U Minh thời gian qua phát triển hài hòa, đan xen đã mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân. Là cơ quan quản lý nhà nước, UBND huyện U Minh có ý tưởng gì để phát triển kinh tế theo hướng kết hợp nói trên, thưa ông?
- Ông Lê Hồng Thịnh: Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn Đề án phát triển du lịch trên địa bàn huyện U Minh, trong quá trình khảo sát và nghiên cứu tình hình du lịch của huyện hiện tại và tương lai, các chuyên gia nhận định tiềm năng kinh tế rừng và phát triển du lịch là rất lớn nhưng chưa được đầu tư và khai thác đúng với thực tế.
Với góc độ là đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương, UBND huyện đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn hướng dẫn cho bà con nhân dân cách làm các dịch vụ, du lịch từ lợi ích kinh tế từ rừng mang lại; hướng dẫn các chủ rừng đầu tư quy hoạch lại hệ thống kênh mương trong khu vực rừng quản lý; đầu tư nuôi cá đồng, đồng thời tổ chức các hoạt động trải nghiệm tham quan trong rừng tràm bằng xuồng ba lá; tổ chức các hoạt động câu cá, đánh bắt cá; tham quan trải nghiệm nghề gác kèo ong, lấy mật để thu hút khách du lịch.
Nếu như trước đây sản phẩm khai thác từ dưới tán rừng bà con chỉ bán nhỏ lẻ thu nhập không cao, thì nay cũng từ sản phẩm đó sẽ được chuyển thành sản phẩm dịch vụ, phục vụ cho khách du lịch. Sản phẩm từ nghề gác kèo ong của vùng rừng U Minh Hạ sẽ trở thành một dịch vụ trải nghiệm theo chân người gác kèo ong vào rừng lấy mật, đây sẽ là một hoạt đông trải nghiệm lý thú để thu hút khách du lịch. Các dịch vụ giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt lợp, đặt trúm... dưới tán rừng U Minh vào ban đêm cũng sẽ là dịch vụ níu chân khách ở lại qua đêm tại các khu du lịch sinh thái cộng đồng.
Trước kia bà con khai thác những sản phẩm dưới tán rừng chủ yếu có bao nhiêu bán bấy nhiêu thì nay chuyển thành sản phẩm dịch vụ chế biến thành những món ẩm thực đặc trưng từ rừng mang lại để khách du lịch thưởng thức. Đều đó sẽ mang lại thu nhập kinh tế cao so với trước đây. Có được như thế thì kinh tế rừng và phát triển du lịch của huyện sẽ phát triển bền vững.
- Xin ông cho biết mục tiêu của địa phương thời gian tới trong việc phát triển kinh rừng tế gắn với du lịch sinh thái là như thế nào? Huyện đã vạch ra chiến lược phát triển cụ thể nào và tính hiệu quả ra sao?
- Ông Lê Hồng Thịnh: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, UBND huyện U Minh đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND huyện giao Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan chuyên môn tham mưu thuê đơn vị Công ty Du lịch vòng Tròn Việt tại TP.HCM tư vấn viết Đề án quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo, hiện trong giai đoạn hoàn thành báo cáo đề án.
Trong thời gian tới khi Đề án phát triển du lịch của huyện được thông qua, huyện sẽ xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư và khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có để làm du lịch sinh thái rừng, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá hình thành các tour du lịch trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho du du lịch sinh thái huyện U Minh phát triển.
Huyện sẽ thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch, nhằm thu hút khách du lịch ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm và nghỉ lại qua đêm bằng nhiều tour du lịch khám phá xuyên rừng, bằng các phương tiện xuồng và vỏ lãi để ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên của rừng tràm vào ban ngày, dùng xuồng để du khách tham quan trải nghiệm giăng câu, đặt lờ, lợp và khám phá nhiều dịch vụ cùng thưởng thức các món ăn đặc sản từ rừng mang lại...
- Xin cảm ơn ông.