Nhân loại sẽ ra sao nếu xung đột Nga - Ukraine dẫn tới chiến tranh hạt nhân?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 22/08/2022

Trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân đã gia tăng.

Bất kỳ cuộc xung đột hạt nhân nào cũng sẽ kéo theo một loạt hậu quả tàn khốc, từ những thiệt hại về người trong các vụ nổ trực tiếp cho đến những tác động lâu dài của bức xạ và ô nhiễm môi trường.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học khí hậu tại Đại học Rutgers (Mỹ) được công bố trên tạp chí Nature Food, ảnh hưởng bởi cuộc chiến hạt nhân là vô cùng to lớn. Những vụ nổ hạt nhân có thể tạo ra lượng carbon đen (muội than) dày đặc trên khí quyển, chặn ánh sáng mặt trời và phá vỡ hệ thống khí hậu ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất lương thực.

81bej8pwebl._ac_sl1500_.jpg
Cuộc chiến hạt nhân sẽ gây ra hậu quả vô cùng tàn khốc cho nhân loại - Ảnh: Amazone

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã vạch ra những tác động của chiến tranh hạt nhân với 6 kịch bản có thể xảy ra. Chẳng hạn, một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga, kịch bản tồi tệ nhất được mô phỏng là 5 tỉ người sẽ chết vì đói do thiếu lương thực sau hai năm. Ngay cả một cuộc xung đột quy mô tương đối nhỏ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể dẫn đến nạn đói trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, các quả bom nhắm vào các thành phố và khu vực công nghiệp sẽ gây ra bão lửa, bơm một lượng lớn carbon đen vào tầng cao của bầu khí quyển, điều này sẽ lan rộng ra toàn cầu và đột ngột làm giảm nhiệt độ trên trái đất. Hậu quả là khí hậu trái đất bị phá vỡ, ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất lương thực trên đất liền và trên đại dương.

Các chuyên gia của Đại học Rutgers đã sử dụng một công cụ dự báo khí hậu để ước tính năng suất của các loại cây trồng chính trên cơ sở từng quốc gia. Họ đã phân tích điều gì sẽ xảy ra trong 6 kịch bản có thể xảy ra xung đột hạt nhân. Mỗi kịch bản sẽ dẫn đến lượng carbon đen khác nhau trong khí quyển.

Cuộc chiến hạt nhân quy mô tương đối nhỏ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể khiến năng suất cây trồng giảm khoảng 7% trong vòng 5 năm sau xung đột. Cụ thể, ước tính khoảng 37 triệu tấn muội than sẽ bay vào khí quyển, khiến nhiệt độ trên khắp hành tinh giảm xuống hơn 5 độ C, ảnh hưởng sản xuất lương thực. Hậu quả là nạn đói sẽ khiến 2 tỉ người thiệt mạng trên toàn cầu.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), cả hai quốc gia trên đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân có quy mô tương đương và trong số 9 quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân trên thế giới, 2 quốc gia này cũng nằm trong số ít các nước đang gia tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của mình.

Trong khi đó, một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga, ước tính chiếm 90% kho hạt nhân của thế giới, có thể khiến sản lượng lương thực giảm khoảng 90% trong vòng 3 đến 4 năm sau cuộc giao tranh. Thiệt hại ước tính khoảng 5 tỉ người trên thế giới sẽ thiệt mạng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bất kỳ nước nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân còn lại gồm cả Trung Quốc, Triều Tiên, Pháp, Israel và Anh đều có đủ hỏa lực để gây ra những thảm họa kể trên.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các biện pháp giảm thiểu thiệt hại từ xung đột hạt nhân như việc giảm lãng phí thức ăn gia đình, sử dụng các loạt cây trồng mới, nhưng cuối cùng họ đã đưa kết luận rằng những biện pháp can thiệp sẽ không ngăn được phần lớn thế giới trải qua nạn đói, đặc biệt là sau các cuộc xung đột quy mô lớn.

Sự sụt giảm mùa màng sẽ diễn ra nghiêm trọng nhất ở các quốc gia có vĩ độ trung bình đến cao, bao gồm cả các nước xuất khẩu lớn như Nga và Mỹ, điều này có thể gây ra các hạn chế xuất khẩu và gây ra gián đoạn nghiêm trọng ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu ở Châu Phi và Trung Đông.

Lili Xia, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư nghiên cứu tại trường Khoa học Môi trường và Sinh học, thuộc Đại học Rutgers, cho biết: "Nếu chiến tranh hạn nhân nổ ra, tầng ozone sẽ bị phá hủy bởi sự nóng lên của tầng bình lưu, tạo ra nhiều bức xạ tia cực tím hơn trên bề mặt và chúng ta cần hiểu tác động đó đối với nguồn cung cấp thực phẩm".

“Nếu vũ khí hạt nhân vẫn còn tồn tại, chúng vẫn có thể được sử dụng và thế giới chắc chắn sẽ tiến gần đến chiến tranh hạt nhân vài lần. Do đó, cấm vũ khí hạt nhân là giải pháp lâu dài duy nhất. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc 5 năm tuổi và được 66 quốc gia chấp thuận, nhưng 9 quốc gia sở hữu hạt nhân vẫn chưa tham gia.

Công việc của chúng tôi làm rõ ràng rằng đã đến lúc các quốc gia đó nên lắng nghe khoa học và phần còn lại của thế giới và ký hiệp ước này", Alan Robock, đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư khoa học khí hậu tại Khoa Khoa học Môi trường, Đại học Rutgers, cho biết.

Hoàng Vũ