Vụ 'đất vàng' ở Bình Dương: Nguyễn Đại Dương khẳng định ‘không thông đồng với bố vợ’

Sự kiện - Ngày đăng : 18:38, 22/08/2022

Bị cáo Nguyễn Đại Dương khẳng định không thông đồng với bố vợ để thâu tóm đất công.

Chiều 22.8, phiên tòa xét xử 28 bị cáo trong vụ án “thâu tóm đất vàng” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) tiếp tục diễn ra phần tranh luận.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương khẳng định không thông đồng với bố vợ để thâu tóm đất công.

luat-su.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa - Ảnh: N.A

Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, việc quy kết ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2) cấu kết với con rể Nguyễn Đại Dương ký hợp đồng liên doanh với động cơ vụ lợi là thiếu căn cứ và hàm oan cho các bị cáo.

Trong đó, liên quan đến hành vi góp vốn vào Công ty Âu Lạc như cáo buộc của Viện KNSD tối cao, luật sư cho biết ông Dương Đình Tâm đứng tên cổ phần ở Âu Lạc thay cho người tên Quân, không phải đứng tên cổ phần thay bị cáo Nguyễn Đại Dương bởi trong toàn bộ các sao kê tiền rót vào Âu Lạc, không có khoản tiền nào của ông Dương, chỉ có bằng chứng chuyển tiền của ông Quân.

Luật sư cho rằng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Dương không phạm tội, trả tự do cho bị cáo.

Trước đó, trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Đại Dương đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc, đồng thời phản bác lời khai của nhân chứng Dương Đình Tâm về việc ông Tâm đứng tên cổ phần tại Công ty Âu Lạc thay cho Nguyễn Đại Dương.

nguyen-dai-duong.jpg
Bị cáo Nguyễn Đại Dương khai báo tại tòa - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Luật sư nói bị cáo Nguyễn Văn Minh không có động cơ làm trái

Liên quan đến việc sắp xếp khu đất 145ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý” khi cổ phần hóa doanh nghiệp, theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2), khi phân loại tài sản là khu đất 145ha, Công ty Thẩm định giá Đông Nam và Tổng công ty 3/2 có nhận thức khác nhau.

Luật sư đã dẫn lại lời khai tại tòa của các bị cáo thuộc Công ty Đông Nam. Theo đó, phía Công ty Đông Nam xác định đã phân loại đúng vào mục “Tài sản chờ thanh lý” vì đó là tài sản chờ xử lý khi có ý kiến cấp trên hoặc chủ sở hữu. Còn phía Tổng công ty 3/2, trong đó có bị cáo Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác, chỉ nhận thức phân loại tài sản nào giữ lại, loại tài sản nào phải chuyển giao mà không phân loại theo tính chất tài sản được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011.

Như vậy, luật sư cho rằng Tổng công ty 3/2 đã tư duy theo lối thông thường là Tổng công ty liên doanh với Công ty Tân Thành nên khu đất không thể chuyển giao cho Impco; như vậy buộc phải giữ lại để liên doanh, vì Tổng công ty 3/2 đang nắm giữ 30% cổ phần tại Công ty Tân Thành.

“Song song đó, Công ty Tân Thành đã thanh toán đủ tiền đền bù đất nên không thể tính giá trị khu đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thêm lần nữa. Do đó, khi phân loại tài sản, Tổng công ty đã cho khu đất 145ha vào mục C “Tài sản chờ thanh lý” (loại ra khỏi giá trị doanh nghiệp)”, luật sư phân tích.

nguyen-van-minh.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Minh được ngồi khi khai báo vì lý do sức khỏe - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Cũng trong phần bào chữa cho bị cáo Minh, luật sư Công chỉ ra rằng bị cáo Nguyễn Văn Minh và các bị cáo khác không có động cơ để làm trái các quy định này. Nguyên nhân của sai phạm là sự thiếu hiểu biết pháp luật cổ phần hóa doanh nghiệp, vội vàng và chủ quan.

Theo phân tích của luật sư, dự án 145ha được thực hiện và đã hình thành nên sân golf Tân Thành rộng 95ha, còn 50ha được bố trí thực hiện dự án bất động sản. Năm 2013, khu đất 145ha được cấp Giấy chứng nhận, năm 2016 chuyển Giấy chứng nhận mang tên Công ty Tân Thành. Ngày 7.7.2011, Công ty Tân Thành đã hoàn thành việc thanh toán 276.970.677.016 đồng nên đã thực hiện xong nghĩa vụ, nên Tổng công ty buộc phải chuyển giao quyền sử dụng đất cho Công ty Tân Thành.

Như vậy, luật sư cho rằng bị cáo Minh cùng các bị cáo khác hiểu rằng Tổng công ty 3/2 không còn quyền sử dụng đất tại Khu đất 145ha, mà chỉ có quyền quản lý tài sản, nên không thể đưa giá trị quyền sử dụng đất 145ha để tính vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa giai đoạn 2015 - 2017.

Đối với phần cáo buộc tội “Tham ô tài sản”, luật sư Công cho rằng điều này là chưa thỏa đáng, chưa xem xét và đánh giá trọn vẹn tình hình, diễn biến, bối cảnh… Đặc biệt, theo luật sư, có cơ sở xác định hai Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát triển sở hữu hợp pháp 17,33% cổ phần tại Công ty Tân Thành khi sử dụng 5,2 triệu USD mua lại phần góp vốn của Công ty Hàn Quốc, nên khi họ bán lại 19% cổ phần cho Tổng công ty thì sai phạm (nếu có) chỉ trong giới hạn của phần vượt 17,33%.

tran-thanh-liem-2-.jpg
Bị cáo Trần Thanh Liêm tự bào chữa tại tòa - Ảnh: N.A

Cựu Chủ tịch Bình Dương mong được hưởng khoan hồng

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cho rằng VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt mức án “quá nặng” và mong HĐXX xem xét. Bị cáo thừa nhận có vi phạm nhưng “không có động cơ, lợi ích, vụ lợi cá nhân”. Vì vậy, cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật…

Theo bị cáo Liêm, bản thân bị cáo không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động của Tổng công ty 3/2. Ngoài ra, khi cổ phần hóa, bị cáo Liêm cho hay đã “tin tưởng vào cơ quan chức năng, tham mưu trong quá trình xem xét, đánh giá giá trị cổ phần”.

Về sai phạm tại khu đất 43ha, bị cáo Liêm trình bày rằng mình đã không biết Tổng công ty 3/2 bán cổ phần cũng như sang tên khu đất cho chủ sở hữu mới; cáo trạng quy kết bị cáo biết 2 việc này “là không đúng” bởi ông nắm chức Chủ tịch UBND tỉnh còn Tổng công ty 3/2 thuộc về Tỉnh ủy.

Trước đó, bị cáo Trần Thanh Liêm bị Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị tuyên phạt mức án từ 9 - 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nhã Thanh