Đà Nẵng: Cấp bách tìm nguồn vốn xử lý ô nhiễm môi trường nước
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:57, 14/12/2017
Ngày 14.12, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Biwater (Anh) để nghe công ty này báo cáo đề xuất đầu tư vào Dự án cải thiện môi trường nước thành phố.
Tại buổi tiếp, đại diện Tập đoàn Biwater cho hay kết quả khảo sát thực trạng cho thấy hệ thống tuyến ống kết hợp thu gom nước mưa và nước thải của Đà Nẵng và các nhà máy xử lý nước thải tại thành phố đang bị quá tải dẫn đến tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý chảy trực tiếp ra vịnh Đà Nẵng và khu vực bờ biển phía đông, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến ngành du lịch của thành phố.
Theo đó, các hợp phần của dự án do tập đoàn này đề xuất sẽ bao gồm xây dựng hệ thống đường ống thu gom và trữ nước thải, sau đó bơm về 2 nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) Sơn Trà và Phú Lộc để xử lý.
Đồng thời, nâng công suất 2 nhà máy lên 36.000m3 và 43.000m3/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế sau năm 2022; và dự phòng để sau này có thể mở rộng và nâng công suất xử lý của NMXLNT Phú Lộc thêm 29.000m3/ngày trong cùng một diện tích.
Dự án do Biwater đề xuất sẽ sử dụng khoảng vay của Cơ quan tài trợ xuất khẩu Anh quốc với giá trị cho vay tối đa là 200 triệu USD (85% giá trị hợp đồng, vay bằng euro), lãi suất 2,5%/năm. Tổng thời hạn cho vay là 21 năm, bao gồm 5 năm xây dựng và 16 năm hoàn nợ; nợ vay sẽ do Bộ Tài chính Việt Nam thanh toán.
>> Chùm ảnh: Rác ngập ngụa ở bãi biển Đà Nẵng
Về phía UBND TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay từ thực trạng các nhà máy xử lý nước thải tại thành phố hiện đã quá tải; trong nhiều năm qua thành phố đã xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư cũng như tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế nhằm cải thiện môi trường nước của thành phố.
Lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng làm việc với đại diện Tập đoàn Biwater
Ông Thơ cho biết thành phố hoàn toàn ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm hiện đã quá cấp bách và thành phố không còn thời gian để theo đuổi nguồn vốn hỗ trợ ODA thông qua kênh Chính phủ.
Đối với đề xuất của Biwater, Đà Nẵng đề nghị Tập đoàn xem xét 2 phương án đầu tư, bao gồm nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, vận hành thu phí và chuyển giao cho địa phương theo phương thức PPP (hợp tác công - tư); hoặc là địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư, Biwater sẽ tham gia đấu thầu xây dựng và cung cấp thiết bị.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng đề nghị Biwater nghiên cứu phương án tài chính phù hợp cho việc đầu tư xử lý môi trường nước trên địa bàn; đồng thời giao các sở ngành, đơn vị liên quan của thành phố cung cấp thông tin về các dự án khác có liên quan để Biwater tìm hiểu đầu tư.
Được biết Biwater là tập đoàn có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nước và nước thải trên toàn cầu và đã tham gia xây dựng hơn 25.000 công trình trong lĩnh vực này tại trên 90 quốc gia. Tại Việt Nam, Biwater đã tham gia Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng