Chỉ trong một buổi chiều, Viện Vật lý địa cầu thông báo 5 trận động đất tại Kon Tum

Sự kiện - Ngày đăng : 17:13, 23/08/2022

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu)  chiều nay liên tục thông báo động đất tại Kon Tum.
dong-dat.png
Bản đồ chấn tiêu trận động đất mạnh 4,7 độ Richter

Lần 1 lúc 14 giờ 08 phút 04 giây, một trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

Lần 2 lúc 14 giờ 11 phút 36 giây, một trận động đất có độ lớn 3,6 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.796 độ vĩ Bắc, 108.252 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

Lần 3 lúc 15 giờ 02 phút 09 giây, một trận động đất có độ lớn 3,7 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.801 độ vĩ Bắc, 108.238 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

Lần 4 lúc 15 giờ 27 phút 53 giây, một trận động đất có độ lớn 2,5 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.808 độ vĩ Bắc, 108.235 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Lần 5 lúc 16 giờ 15 phút 3 giây, một trận động đất có độ lớn 3,0 độ Richter, xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.785 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 

Như vậy, cả 5 lần đều ghi nhận ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong đó lần 1 được ghi nhận mạnh nhất với độ lớn 4.7 Richter mà người dân một số tỉnh thành cách đó hàng trăm km như Quảng, Đà Nẵng cũng cảm nhận được sự rung lắc, đồ đạc rơi xuống đất.

Hồi tháng 3 và 4, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng liên tục xảy ra động đất khiến trung ương và các nhà khoa học phải vào cuộc.

Theo báo cáo của Viện Vật lý địa cầu vào sáng 11.5, kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của động đất, cho đến thời điểm hiện tại có thể kết luận các trận động đất xảy ra từ tháng 3.2021 đến 4.2022 có độ lớn M = 1,6 – 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang MSK-64. Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.

Báo cáo của Viện Vật lý địa cầu khẳng định: “Để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận”.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thủy điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Do vậy, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thủy điện trên địa bành.

Trước đó, ngày 21.4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về xử lý động đất tại Kon Tum. Trong đó yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất và công bố để chính quyền và nhân dân biết chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Hồ Đông