Nhật Bản trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh

Chuyển động - Ngày đăng : 18:54, 23/08/2022

Các tên lửa được cải tiến này sẽ được trang bị trên những tàu chiến có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, nhằm để đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.
tau-chien-nhat.jpg
Tàu chiến Nhật trang bị hệ thống chiến đấu Aegis - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Đây là những đề nghị của Bộ Quốc phòng Nhật trong dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023. Bộ cũng lên kế hoạch sử dụng máy bay chiến đấu không người lái để mở rộng khả năng sử dụng các phương tiện UAV này, theo báo Yomiuri Shimbun ngày 23.8 dẫn lời các quan chức chính phủ.

Bộ lập kế hoạch đóng hai tàu trang bị hệ thống Aegis gắn tên lửa phòng không SM-6, sau khi hủy kế hoạch lập một hệ thống đánh chặn tên lửa từ trên bộ Aegis Ashore.

Các tàu này cũng có thể được trang bị phiên bản của tên lửa đất đối không Type-03 của bộ binh Cục Phòng vệ Nhật Bản (GSDF).

Những tên lửa siêu thanh do các nước như Nga và Trung Quốc có thể đạt tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và bay ở độ thấp. Không như các tên lửa đạn đạo thông thường có quỹ đạo parabol, vũ khí siêu thanh có quỹ đạo không đều nên khó bị đánh chặn.

Bộ Quốc phòng Nhật muốn tăng cường khả năng dự báo đường bay của tên lửa địch để đánh chặn. Tàu trang bị hệ thống Aegis có thể hoạt động chủ yếu ở biển Nhật Bản nhằm đề phòng tên lửa của Triều Tiên.

Vì khó phát hiện tên lửa siêu thanh bằng radar trên bộ, Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất nghiên cứu khả năng phát hiện và truy vết tên lửa siêu thanh bằng một chuỗi vệ tinh nhỏ. Bộ cũng lần đầu tiên lập kế hoạch mua UAV tấn công. Các nghiên cứu sẽ được tiến hành nhằm triển khai xe tự hành trên bộ cho công tác trinh sát của GSDF, nhằm xác định chính xác vị trí của địch và cải thiện độ chính xác của các đợt tấn công.

Theo các nguồn tin của Yomiuri Shimbun, vì ý thức tình hình khẩn cấp ở eo biển Đài Loan, chính phủ Nhật muốn có hơn 1.000 tên lửa hành trình tầm xa, nhằm triển khai từ đảo Kyushu đến chuỗi đảo Nansei, nhằm thu hẹp cách biệt với Trung Quốc vốn đã triển khai nhiều tên lửa đạn đạo.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng nhắm việc nhanh chóng sản xuất và triển khai tên lửa hành trình tầm xa, dựa trên mẫu tên lửa đất đối hạm Type-12, theo đó nâng tầm bay từ hơn 100km lên khoảng 1.000km, cho phép tên lửa này bay đến Triều Tiên hoặc các vùng biển của Trung Quốc.

Chính phủ cũng sẽ cải tiến các tên lửa để có thể phóng từ tàu chiến và chiến đấu cơ. Nhật dự định triển khai những phiên bản của mẫu các tên lửa phóng từ trên bộ từ đầu năm tài khóa 2024.

Chiến lược an ninh quốc gia và dự chi ngân sách quốc phòng của Nhật sẽ được xem xét vào cuối năm nay, và dự kiến chính phủ Nhật sẽ bật đèn xanh cho sự trang bị các khả năng phản công có thể tiêu diệt những ụ phóng tên lửa của địch cùng các mục tiêu khác, phục vụ công tác phòng thủ.

Việc Nhật muốn có nhiều tên lửa tầm xa hơn là vì khả năng tấn công bằng tên lửa của Nhật có sự cách biệt rất xa so với của Mỹ và Trung Quốc. Nhật từng thực hiện chính sách không tấn công căn cứ địch, từ đó không triển khai tên lửa tầm xa có thể tấn công trên bộ.

Sau khi cùng Liên Xô ký Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, Mỹ bị cấm sở hữu tên lửa phóng từ trên bộ có tầm bắn từ 500km lên 5.500km, cho đến khi hiệp ước này kết thúc hiệu lực hồi tháng 8.2019. Hiện nay Mỹ đã nối lại sự phát triển nhưng chưa sở hữu loại tên lửa tầm trung.

Ngược lại, Trung Quốc được cho là có khoảng 1.800 tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ trên bộ, theo các phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các nguồn tin khác. Số tên lửa này có thể bay đến Nhật, ngoài ra Trung Quốc còn có khoảng 300 tên lửa hành trình tầm trung.

Triều Tiên cũng đã dàn nhiều tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới Nhật, nước này cùng Trung Quốc đã phát triển vũ khí siêu thanh có thể bay theo quỹ đạo không đều nên khó phát hiện.

Trong bối cảnh đó, sẽ khó cho Cục Phòng vệ Nhật đối phó các đợt tấn công của địch khi chỉ có các tên lửa đánh chặn.

Bảo Vĩnh