Mùa đông thử thách sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine

Quốc tế - Ngày đăng : 09:23, 24/08/2022

Phản ứng của châu Âu với cuộc chiến tại Ukraine 6 tháng qua mạnh mẽ và thống nhất một cách bất ngờ.

Bất chấp nhiều năm quan hệ rạn nứt lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền cũng như do đại dịch COVID-19, liên minh xuyên Đại Tây Dương vẫn tập hợp lại và đạt được thỏa thuận về hỗ trợ tài chính lẫn cung cấp vũ khí, khí tài cho Ukraine, ngừng sử dụng năng lượng Nga, áp đặt trừng phạt với Tổng thống Vladimir Putin cùng nhiều cá nhân/tổ chức Nga khác.

Nhưng khi cuộc chiến chạm mốc 6 tháng, nhiều quan chức châu Âu lo lắng sự đồng thuận sẽ tan vỡ lúc lục địa già chuẩn bị đón mùa đông lạnh giá với giá thực phẩm tăng cao, năng lượng dùng cho sưởi ấm hạn chế, nguy cơ suy thoái kinh tế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - nhân vật thành công thu hút ủng hộ từ châu Âu - trong thời gian tới có thể gặp khó.

Theo nhà phân tích Keir Giles thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House: “Ukraine gặp lại thách thức tương tự thời gian đầu: giữ được sự ủng hộ của phương Tây khi cái giá phải trả cho việc này đem lại quá lớn, không chỉ là động thái dùng khí đốt và ngũ cốc gây sức ép mà Nga thực hiện mà còn cả chi phí viện trợ nhân đạo và viện trợ kinh tế khổng lồ. Đây có thể là lý do Tổng thống Zelensky tuyên bố muốn chiến tranh kết thúc trước Giáng sinh, vấn đề thực sự sẽ tới khiến phương Tây chưa chắc giữ vững cam kết trong dài hạn”.

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu mùa đông là điều giới chức châu Âu phải đau đầu suy nghĩ mỗi ngày. Khoảng 55% khí đốt châu Âu nhập khẩu năm 2021 là từ Nga.

Một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết việc tuân thủ thỏa thuận giảm 15% lượng khí đốt Nga sử dụng bên trong Liên minh châu Âu (EU) rất khó thực hiện. Thỏa thuận mang tính tự nguyện, nếu tình hình xấu đi thì vài nước có thể không tuân thủ nữa.

Nhà phân tích Giles cũng nhận định có vài quốc gia Tây Âu không thấy rằng phụ thuộc vào năng lượng Nga là mối nguy lớn, thậm chí còn hy vọng quan hệ với Nga sẽ trở lại bình thường.

Còn có lo ngại chiến lược trang bị vũ khí, khí tài cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: một cuộc chiến không hồi kết.

107064013-16529819312022-02-10t235041z_1703727533_rc29hs9nwpuj_rtrmadp_0_ukraine-crisis-usa-aid.jpeg
Chi phí viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine rất lớn - Ảnh: CNN

Một quan chức NATO nói với đài CNN: “Thời gian đầu, phản ứng của phương Tây cứng rắn hơn Nga dự đoán. Điện Kremlin đã phạm sai lớn về mặt chiến thuật. Theo thời gian, số vũ khí chúng tôi cung cấp ngày càng phức tạp hơn, hoạt động huấn luyện để sử dụng chúng hiệu quả cũng vậy. Tin tốt là vũ khí giúp Ukraine cầm cự. Tin xấu là cuộc chiến càng kéo dài nguồn cung vũ khí càng ít”.

Phương Tây có thể không còn hào phóng vì chi phí quân sự và kinh tế to lớn. Thế giới cũng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài. Theo một nhà ngoại giao NATO: “Nay cuộc chiến đang ở giai đoạn chiến lược nhàm chán. Có ít chiến tích lẫn tổn thất hơn, ít cơ hội đáng chú ý hơn”.

Vài quốc gia Tây Âu đã công khai kêu gọi Nga - Ukraine đối thoại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần tuyên bố đàm phán cần phải diễn ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra nhiều thông điệp trái chiều về khí đốt Nga cũng như về vấn đề có nên từ chối cấm thị thực du lịch cho dân Nga hay không.

Vài tháng tới cực kỳ khó khăn với các quốc gia châu Âu. Người dân nước họ sẽ cảm thấy áp lực lớn từ chi phí sinh hoạt tăng cao, một số có thể phải lựa chọn giữa ăn uống với sưởi ấm.

Khủng hoảng ập đến khi nhiều quốc gia đón nhận hàng nghìn người Ukraine tị nạn. Trong bối cảnh như vậy giới lãnh đạo rất khó biện minh cho việc chi nhiều tiền của lẫn sức lực hỗ trợ một quốc gia ở xa. Đến một lúc nào đó họ sẽ quyết định môi giới cho một hiệp ước hòa bình là phương án tốt nhất.

Theo nhà phân tích Theresa Fallon thuộc Trung tâm nghiên cứu Âu - Á của Nga: “Nếu Ukraine tỏ ra thất thế trước Nga, tiếng nói kêu gọi đàm phán sẽ được thúc đẩy. Tổng thống Zelensky cần tiếp tục thực hiện tuyên truyền và đẩy mạnh thông điệp Ukraine đang đạt tiến bộ, chiến đấu hết mình và cần vũ khí”.

Một vài quốc gia phương Tây đang trải qua biến động chính trị: Ý sắp tổ chức bầu cử, Anh sẽ chọn ra Thủ tướng mới, Mỹ chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.

“Khi vấn đề chính trị trong nước chi phối chú ý, người dân sẽ hỏi vì sao lại giúp Ukraine thay vì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng”, nhà phân tích Fallon nhấn mạnh.

Cẩm Bình