Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc thêm lao đao vì dư nguồn cung chip cấp thấp
Thế giới số - Ngày đăng : 10:52, 24/08/2022
Với các nhà cung cấp tại SEG Electronics Market (thành phố Thượng Hải, Trung Quốc), trung tâm tìm nguồn cung ứng linh kiện bán dẫn ở đồng bằng sông Dương Tử, vấn đề đau đầu không phải do các hạn chế thương mại của Mỹ với việc Trung Quốc tiếp cận các chip tiên tiến, mà là nhu cầu yếu cho các vi mạch tích hợp (IC) từ các nhà sản xuất smartphone và thiết bị gia dụng.
Khu chợ ở trung tâm thành phố Thượng Hải, chiếm 5 tầng, vắng lặng một cách kỳ lạ trong chuyến thăm gần đây của các phóng viên SCMP, với ít người mua tiềm năng và nhiều chủ cửa hàng không có mặt tại các gian hàng của họ.
Chen Jiaxin, chủ đại lý chip trên thị trường, cho biết giá chip dùng trong điện tử tiêu dùng đã giảm trong hai tháng qua.
Chen Jiaxin nói: “Về cơ bản, tất cả công ty điện tử tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tôi không thấy nhu cầu tăng trở lại, ngay cả sau khi giá giảm”.
Ngành công nghiệp sản xuất ở đồng bằng sông Dương Tử đã bị ảnh hưởng nặng nề vào tháng 4 và tháng 5 khi đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và các khu vực lân cận gây gián đoạn sản xuất, làm giảm thêm nhu cầu với đầu vào công nghiệp. Theo số liệu mới nhất của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Công nghiệp Trung Quốc, sản lượng smartphone thương hiệu địa phương giảm 25% trong nửa đầu năm 2022.
Theo Cục thống kê của Trung Quốc, sản lượng IC ở nước này đã giảm 8% trong 7 tháng đầu 2022 so với một năm trước.
Một thương gia họ Yu nói rằng giá một số linh kiện bán dẫn cho hàng điện tử tiêu dùng đã giảm tới 80% so với mức đỉnh gần đây khi nhu cầu cạn kiệt. “Nhiều khách hàng của chúng tôi đã phải đóng cửa trong hai hoặc ba tháng và bị đình chỉ sản xuất một lần nữa trong thời gian ngừng hoạt động”, Yu cho hay.
Yu nói thêm rằng các nhà cung cấp chip hàng hóa thường bán một khối lượng lớn với tỷ suất lợi nhuận thấp và không thể kiếm được tiền khi số lượng đơn đặt hàng giảm xuống đáng kể.
Một chủ đại lý bán dẫn khác tên Yao, kinh doanh chip hơn hai thập kỷ, cho biết giá một số sản phẩm, đặc biệt là chip nói chung, đang giảm.
“Hầu hết sản phẩm tôi bán đều được nhập khẩu từ Mỹ và Đài Loan. Có một số sản phẩm nội địa nhưng rất khó tìm được sản phẩm thay thế trong nhiều trường hợp”, Yao nói và cho biết thêm rằng ông không thấy tác động nhiều đến hoạt động kinh doanh của mình do căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tình trạng dư cung ngày càng trở nên tồi tệ khi các nhà sản xuất chip lớn tìm cách mở rộng năng lực sản xuất để giải quyết tình trạng thiếu chip toàn cầu bắt đầu từ năm 2020. Intel, Qualcomm và SK Hynix đều đã công bố kế hoạch tăng đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip trong năm nay.
Sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã được mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, một phần là nhờ sự hỗ trợ của nhà nước. Sản lượng vi mạch sản xuất của Trung Quốc vào năm 2021 gần như tăng gấp đôi so với 2019, theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc không đi kèm với bảng phân tích chi tiết.
Giá chip giảm đã xảy ra trên các danh mục chính của thiết bị điện tử tiêu dùng, chẳng hạn như chip bảng điều khiển, chip truyền thông và các chip tương tự, theo Liu Xingliang, chuyên gia của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã dẫn lời vào tuần trước.
Liu Xingliang nói: “Hầu hết trong số chúng đã giảm hơn 20% trong hai tháng qua. Một số đã giảm giá hơn 80%”.
Tuy nhiên, một số chip vẫn có nhu cầu cao.
Theo các thương gia, chip ô tô, một số đã tăng giá từ vài trăm nhân dân tệ lên tới 3.500 nhân dân tệ vào cuối năm 2021, vẫn thiếu nguồn cung. Ví dụ, STL9369 (một loại vi mạch ô tô do STMicroelectronics sản xuất) được sử dụng trong bãi đậu ô tô điện và phanh, đã bị thiếu hụt từ cuối năm 2021.
STMicroelectronics là công ty đa quốc gia Pháp-Ý, có trụ sở hoạt động và điều hành đặt tại Plan-les-Ouates, gần thành phố Geneva (Thụy Sĩ), chuyên thiết kế, sản xuất và tiếp thị chip điện tử. STMicroelectronics là công ty sản xuất chip đứng thứ hai châu Âu.
Chen Jiaxin cho biết hiện tại không còn hàng cho chip ô tô và không chắc khi nào anh có thể nhận được nguồn cung mới từ các nhà sản xuất chip.
Wu Qi, Giám đốc điều hành tại Wuxi Digital Economy Research Institute (Viện Nghiên cứu Kinh tế Kỹ thuật số Vô Tích), nói điều kiện thắt chặt trên thị trường chip ô tô phản ánh sự “không phù hợp giữa cung và cầu” trong ngành công nghiệp của Trung Quốc vài năm qua do nước này chưa có công nghệ then chốt để sản xuất chip.
“Về phía nhu cầu, tiêu thụ ô tô đã bắt đầu phục hồi, đặc biệt là khi các phương tiện năng lượng mới nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của các quốc gia khác nhau, dẫn đến nhu cầu chip tăng lên”, Wu Qi nói. Ví dụ, sản lượng xe năng lượng mới của Trung Quốc đã tăng 117,2% trong bảy tháng đầu 2022 so với một năm trước.
Thế nhưng, thị trường chip ô tô vẫn bị chi phối bởi các nhà cung cấp lớn nước ngoài gồm NXP Semiconductors (Hà Lan), Renesas Electronics Corp (Nhật Bản) và Mobileye (công ty con của Intel Corp).
Theo Yu, giá chip ô tô đang thay đổi hàng ngày, vì nhiều đại lý đang tích trữ chip nhập khẩu và cố gắng thổi phồng thị trường sau khi nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả Tesla.
'Luật mới của Mỹ tạo thách thức khó vượt qua với ngành sản xuất chip Trung Quốc'
Trung Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước khi Mỹ gia tăng đáng kể các hạn chế xuất khẩu với các công nghệ tiên tiến, theo các chuyên gia và giám đốc điều hành chip hàng đầu nước này.
Những nỗ lực từ Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, vốn đạt được tốc độ vào tuần trước sau khi Tổng thống Joe Biden ký thành luật Chips and Science (Chips và Khoa học), đã trở thành một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị và Triển lãm Bán dẫn Thế giới 2022, khai mạc vào ngày 18.8 tại thành phố Nam Kinh, phía đông Trung Quốc.
Luật mới của Mỹ nhằm ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài vào các công nghệ sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc, tạo ra những thách thức không thể vượt qua, theo Yu Xiekang, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc (CSIA) - nhóm thương mại được nhà nước hậu thuẫn đứng sau ngành công nghiệp vi mạch (IC) của đại lục.
“Không thể để Trung Quốc tự mình giải quyết các nút thắt trong thiết bị và vật liệu bán dẫn”, Yu Xiekang nói trong một cuộc thảo luận. Ông gợi ý rằng Trung Quốc nên xem xét các con đường thay thế, chẳng hạn như tăng cường sức mạnh của mình trong bao bì tiên tiến, bao gồm cả chiplet.
Chiplet là một phần của mô đun xử lý tạo nên mạch tích hợp lớn hơn như bộ xử lý máy tính. Thay vì sản xuất một bộ xử lý trên một miếng silicon với số lượng lõi mong muốn, chiplet cho phép các nhà sản xuất sử dụng nhiều chip nhỏ hơn để tạo thành một mạch tích hợp lớn hơn.
Đại diện cho 744 công ty thành viên trong lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, CSIA hôm 17.8 đã tố cáo đạo luật Chips and Science là vi phạm thương mại công bằng, đồng thời cảnh báo rằng luật này có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuyên bố từ CSIA, được phát hành hôm 17.8 bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, đã hòa vào dàn đồng ca của các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, các tổ chức thương mại và tiếng nói của chính phủ lên án đạo luật được ban hành gần đây.
Thông qua đạo luật Chip and Science, chính quyền Biden dùng gần 53 tỉ USD để thu hút sản xuất chất bán dẫn nhiều hơn ở Mỹ.
Bắc Kinh coi đạo luật Chips and Science là mối đe dọa với cả việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến cần thiết cho lĩnh vực chip và vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Trong khi "hết sức đau buồn" trước sự phát triển này, CSIA cảnh báo rằng việc thông qua luật "chắc chắn sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu". CSIA kêu gọi Mỹ "sửa chữa những sai lầm của mình” và thể hiện sự tôn trọng trật tự trong lĩnh vực chip quốc tế.
Tuyên bố từ CSIA phản ánh sự cấp bách mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đối phó với luật mới của Mỹ, điều này có thể thúc đẩy nỗ lực của Washington trong việc hình thành Liên minh Chip 4 - quan hệ đối tác với Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Bắc Kinh coi liên minh đó là âm mưu của chính phủ Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Quy mô của các ưu đãi mà Mỹ hiện có thể cung cấp cho các nhà sản xuất chất bán dẫn có thể đe dọa ngăn cản các hãng lớn, chẳng hạn những gã khổng lồ chip nhớ Samsung Electronics và SK Hynix, tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
Theo đạo luật Chips and Science, những hãng nhận trợ cấp bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài chất bán dẫn cũ - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng công nghệ xử lý 28 nanomet trở lên - trong 10 năm.
Điều đó có thể cản trở các sáng kiến của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu chip.
Vật liệu và thiết bị chip sản xuất trong nước của Trung Quốc vẫn chưa đủ tốt để thay thế hàng nhập khẩu, Hu Wenlong (Phó chủ tịch Tongfu Microelectronics, công ty đóng gói và kiểm tra chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc) nói tại sự kiện này.
“Nhận định của chúng tôi là việc đầu tư vào thiết bị, nguyên vật liệu trong nước vẫn còn thiếu và các thiết bị sản xuất trong nước ít được sử dụng trong dây chuyền sản xuất”, Hu Wenlong nói.
Hu Wenlong cho biết thêm, cần hợp tác chặt chẽ hơn trong nước và quốc tế để nâng cao khả năng của Trung Quốc trong các lĩnh vực này.
Được thành lập năm 1997 với tư cách là một liên doanh giữa chính phủ Trung Quốc và Fujitsu (Nhật Bản), Tongfu Microelectronics đã trở thành công ty quan trọng trong ngành công nghiệp chip sau khi mua lại hai nhà máy từ công ty bán dẫn Advanced Micro Devices (Mỹ) vào 2016.
Dù ngành công nghiệp chip nội địa ở Trung Quốc có vẻ đang hoạt động tốt khi được đo lường bằng dữ liệu bán hàng, các công nghệ cốt lõi của nó vẫn còn nhiều điều đáng mong đợi, Hu Wenlong nhận định.
Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhờ nhu cầu phát triển mạnh từ các ngành công nghiệp hạ nguồn, từ sản xuất ô tô đến đồ gia dụng.
Không thể tạo ra những con chip tiên tiến hơn, chẳng hạn những con chip được sử dụng trong smartphone mới nhất, Trung Quốc hiện chi nhiều tiền hơn vào việc nhập khẩu vi mạch so với mua dầu nước ngoài.
Tháng trước, sản lượng vi mạch của Trung Quốc giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 27,2 tỉ đơn vị, theo dữ liệu của chính phủ, do các vụ phong tỏa không liên tục cản trở sản xuất và làm ảnh hưởng đến nhu cầu, dẫn đến cung vượt quá cầu của các sản phẩm chip cấp thấp.
Hội nghị bán dẫn diễn ra trong tuần trước ở Nam Kinh là một trong những cuộc họp thường niên quan trọng nhất với ngành công nghiệp chip Trung Quốc, quy tụ những hãng quan trọng, bao gồm các quan chức chính phủ, giám đốc điều hành công ty và kỹ sư hàng đầu, để trao đổi quan điểm về lĩnh vực này.
TSMC, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới và điều hành xưởng đúc 12 inch ở Nam Kinh chuyên sản xuất chip 16 nanomet và 28 nanomet, đã tổ chức một phiên họp đặc biệt tại sự kiện này.
Amy Chen, Giám đốc công nghệ TSMC của bộ phận đại lục, nói công ty dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất chip hàng loạt quy trình 2 nanomet ở Đài Loan vào năm 2025.