Chính quyền mới ở Bulgaria “thủ tiêu” chính sách thân Mỹ để hướng Nga như thế nào?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:48, 24/08/2022

Sau khi chính quyền cũ của cựu Thủ tướng Kiril Petkov sụp đổ và phải bật bãi thì các chính sách thân Mỹ của họ đã bị chính quyền lên thay xoay về như trước đây: chú trọng quan hệ với Nga. Trang Politico đã có bài viết phản ánh vấn đề này:
bulgaria.jpg
Người dân tại Bulgaria trong một cuộc mít tinh ủng hộ Nga

Không mất nhiều thời gian để Bulgaria bắt đầu quay trở lại quỹ đạo thân Nga - đặc biệt là khi nói đến câu hỏi gay gắt về sự phụ thuộc vào khí đốt.

Một chính phủ tạm quyền xuất hiện trong tháng này đang làm (phương Tây) dấy lên lo ngại rằng Sofia sẽ quay lại mua nguồn cung cấp năng lượng từ Gazprom của Moscow sau nỗ lực gần đây (của chính quyền cũ) để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga và tiếp tục cách tiếp cận thân thiện theo truyền thống của quốc gia Balkan đối với Điện Kremlin.

Đó là một bước ngoặt đáng kể so với chính phủ tồn tại trong thời gian ngắn của Thủ tướng Kiril Petkov, vốn đã thất bại sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tháng 6. Ông Petkov có lập trường đối đầu bất thường với Nga sau cuộc chiến ở Ukraine, đã trục xuất 70 nhà ngoại giao, đồng thời đẩy nhanh việc theo đuổi các nguồn cung cấp năng lượng thay thế, bao gồm cả việc thông qua một đường ống dẫn khí đốt qua biên giới phía nam với Hy Lạp.

Tuy nhiên, một chính quyền lâm thời mới do Tổng thống Rumen Radev bổ nhiệm đang tận dụng khoảng thời gian trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2.10 để hàn gắn các tranh cãi với người Nga. Radev, một cựu phi công MiG-29 và là người đứng đầu lực lượng không quân, nổi tiếng với chính sách thân thiện Nga. Trước công chúng, ông cực kỳ khó nắm bắt về “lòng trung thành” với NATO: Ông đã lên án chiến tranh nhưng phản đối sự hỗ trợ quân sự của Bulgaria cho Ukraine. Năm ngoái, Mỹ đã phản đối việc Radev mô tả Crimea là "của Nga".

Chính quyền của Thủ tướng tạm quyền Galab Donev đã từng đề cập ý tưởng nối lại hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ khi nắm quyền, nhưng vấn đề đã nghiêm túc hơn trong tuần này khi Bộ trưởng Năng lượng Rossen Hristov cho biết Bulgaria không có lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động lại các cuộc đàm phán với Gazprom.

Vào tháng 4, cùng với Ba Lan, Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên bị Gazprom cắt nguồn cung khí đốt do Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Kể từ đó, Gazprom nghỉ chơi với Bulgaria.

Hristov nói với các nhà báo ở Sofia: “Các cuộc nói chuyện với Gazprom để tiếp tục nguồn cung cấp là điều không thể tránh khỏi. Ông tiếp tục cáo buộc Nội các cũ của Petkov làm xấu đi mối quan hệ với Moscow và khiến các cuộc đàm phán trong tương lai trở nên “rất khó khăn”.

Ông Hristov quả quyết: “Đừng nghĩ rằng tất cả những gì cần làm là đánh động Gazprom và dòng chảy sẽ tiếp tục”.

Trước đó, Hristov đã nhấn mạnh rằng Nội các mới không có ý định ký bất kỳ hợp đồng dài hạn nào, nhưng ông không loại trừ việc mua khí đốt từ Gazprom. "Chúng tôi đang xem xét các nguồn thay thế là một ưu tiên, nhưng nếu những nguồn cung cấp đó trở nên không đủ, tôi sẽ không phải là Bộ trưởng để mặc mọi người trải qua mùa đông trong giá lạnh".

Tuyên bố của Hristov được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova nói rằng việc thanh toán cho khí đốt chỉ nên được thực hiện bằng đồng rúp và Moscow tin sẽ không có bất kỳ vấn đề nào trong việc tiếp tục chuyển khí đốt tới Bulgaria miễn là Sofia thể hiện “ý chí chính trị” cần thiết.

Quay đầu khi đến trước cổng

Có lẽ đây là ví dụ điển hình nhất về việc chính quyền mới của Bulgaria đang cố gắng ngăn cản nỗ lực của Petkov nhằm thoát khỏi khí đốt của Nga bằng việc triển khai một thiết bị kết nối với Hy Lạp.

Trong nhiều năm, Mỹ đã khuyến khích Bulgaria mở một đầu nối khí đốt ở biên giới phía nam để cho phép Bulgaria chuyển sang các đường cung cấp khác nhau, chẳng hạn như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã tập kết ở Hy Lạp hoặc từ các nhà cung cấp ở Azerbaijan, Trung Á và Trung Đông. Tuy nhiên, Sofia từ lâu đã cố gắng trì hoãn đường ống xuyên biên giới này để ủng hộ mối quan hệ sâu sắc hơn với Gazprom.

Khác với những người tiền nhiệm, Petkov cố gắng lật sang một trang mới bằng cách ưu tiên mở đường kết nối Hy Lạp, nhưng chính quyền tạm thời hiện đang một lần nữa lại đảo ngược chính sách của Petkov khi tìm ra những trở ngại có thể cản trở việc mua khí đốt xuyên biên giới để chuyển sang hợp tác với Gazprom.

Ngay sau khi chính phủ tạm quyền lên thay, truyền thông Bulgaria tiết lộ rằng chính phủ mới đã tìm thấy lý do để can thiệp vào chính sách cũ. Bộ trưởng năng lượng mới Hristov giải thích rằng có những thiếu sót nhất định liên quan đến chứng nhận của dự án.

Ngửi thấy chính sách của mình có nguy cơ bị dẹp, cựu thủ tướng Petkov bóng gió rằng chính phủ mới đã tìm cách trì hoãn dự án. Ông Petkov cho biết trên Facebook vào đầu tháng này: “Liên kết khí đốt với Hy Lạp đang gặp nguy hiểm vào thời điểm chúng ta chỉ còn một bước nữa là xong”.

Chính phủ lâm thời phủ nhận những cáo buộc rằng họ đang làm theo đường lối thân Nga cũ bằng cách cố gắng ngăn chặn việc khởi động trình kết nối, nhưng nhấn mạnh rằng Bulgaria đơn giản đang ở trong tình trạng tuyệt vọng khi mùa đông khép lại. Bulgaria thực sự nằm trong số những quốc gia có hoạt động kém nhất ở châu Âu trong việc lấp đầy kho lưu trữ mùa đông.

Vài giờ sau khi Nội các mới tiếp quản, tân Thủ tướng Donev đã thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng để giải quyết "sự hỗn loạn và tàn phá" trong lĩnh vực năng lượng, có nhiệm vụ làm việc suốt ngày đêm.

Hristov làm theo và mô tả tình hình cung cấp khí đốt là "nghiêm trọng, nếu không muốn nói là nguy hiểm", đồng thời cho biết  nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria chỉ đủ duy trì đến tháng 9. Các tuyên bố được đưa ra bất chấp những nỗ lực của Petkov nhằm làm cho Sofia bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chính phủ cũ vốn bắt đầu các cuộc đàm phán với Azerbaijan để có thêm nguồn cung cấp, đảm bảo việc giao 7 tàu chở LNG từ một công ty Mỹ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết nối khí đốt mới với Hy Lạp.

Trong khi đó, thông báo của chính phủ mới sẽ chỉ tiếp nhận được mỗi một trong 7 tàu chở LNG, với lý do chi phí cao.

Những người bạn cũ của Nga

Nội các lâm thời của thủ tướng Donev tiếp quản vào thời điểm đất nước đang đối mặt với lạm phát tăng cao và bất ổn chính trị. Cuộc bầu cử vào tháng 10 sẽ là cuộc bầu cử thứ tư của đất nước kể từ tháng 4.2021.

Bên cạnh việc thể hiện thiện chí nối lại các cuộc đàm phán với Gazprom, một trong những người được bổ nhiệm quan trọng trong Nội các là Bộ trưởng Năng lượng đã thể hiện thái độ của Bulgaria. Ông Hristov phụ trách định hình chính sách năng lượng của Bulgaria cho đến khi tổ chức bầu cử, được biết đến với lập trường thân thiện đối với Nga.

Lyubomira Gancheva, tổng tham mưu trưởng và là cựu cố vấn của Radev, cho đến gần đây vẫn làPhó chủ tịch của “Alternative for Bulgarian Revival – Sự lựa chọn cho sự hồi sinh của Bulgaria”, một đảng đối lập đã công khai thúc đẩy quan điểm thân Nga của mình. Bà đã đến thăm Crimea nhiều lần kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014, theo lời mời của chính quyền địa phương do Tổng thống Nga Vladimir Putin bổ nhiệm. Hai năm trước, một bài báo được đăng trên trang web của đảng đã có bài xã luận về cuộc họp báo thường niên của Putin, ca ngợi kỹ năng lãnh đạo của ông trong việc đối phó với đại dịch và đứng lên vì đất nước Nga “trong thời khắc đen tối nhất”.

Một trong những ưu tiên chính của Nội các mới mà Tổng thống Radev đã công bố là "ngăn chặn sự tham gia của đất nước vào cuộc xung đột". Mặc dù ông không nói rõ thêm, nhưng những bình luận gần đây của ông về cuộc chiến khiến ai cũng biết ông không ưa gì chính quyền Tổng thống Zelensky.

Tổng thống Radev đã tỏ ra rất bất mãn trước việc cựu Thủ tướng Petkov trục xuất các nhà ngoại giao Nga gần đây. Sau khi chính quyền Petkov trục xuất các nhà ngoại giao, Tổng thống Radev gọi đó là một "hành động chưa từng có tiền lệ" như vậy có nguy cơ gây nguy hiểm cho "ngành năng lượng, nền kinh tế và người dân".

Anh Tú (theo Politico)