171 nghị sĩ muốn Thủ tướng Thái Lan thôi chức sau khi hết nhiệm kỳ 8 năm
Chuyển động - Ngày đăng : 11:57, 24/08/2022
Trước đó hôm 22.8, thư ký Hạ viện Thái Lan đã gởi đơn thỉnh nguyện có chữ ký của 171 nghị sĩ thuộc phe đối lập đến 9 thành viên Tòa án Hiến pháp, mang nội dung đề nghị Tòa xem xét một điều khoản trong Hiến pháp Thái Lan vốn hạn chế thời gian cầm quyền của thủ tướng là đúng 8 năm.
Theo AP, thời hạn 8 năm nhiệm kỳ nhằm ngăn chặn cựu thủ tướng tỷ phú Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Giới cầm quyền bảo hoàng gồm quân đội nhận định tiếng tăm của ông Thaksin đe dọa chế độ quân chủ lập hiến và tầm ảnh hưởng của họ.
Ông Prayuth từng là tướng quân đội thực hiện cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5.2014, lật đổ chính phủ dân cử của nữ thủ tướng Yingluck, em gái ruột Thaksin .
Tiếp đó, ông lãnh đạo chính quyền quân sự, rồi được chọn làm Thủ tướng Thái Lan ngày 24.8.2014, theo một điều khoản 158 trong Hiến pháp Thái Lan được sửa đổi sau cuộc đảo chính quân sự.
Phe đối lập cùng nhiều chuyên gia pháp lý nói điều đó có nghĩa ông đã hoàn tất 8 năm cầm quyền hôm 24.8.
Nhưng phe ủng hộ ông Prayuth nói điều khoản hiến pháp qui định thời hạn nhiệm kỳ có hiệu lực từ ngày 6.4.2017, nên phải tính thời hạn nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ ngày này.
Thậm chí còn có sự diễn giải rằng phải tính thời hạn ông Prayuth bắt đầu làm thủ tướng từ ngày 9.6.2019, khi ông nhậm chức theo đúng Hiến pháp mới vốn được thông qua tiếp sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Điều này có nghĩa ông Prayuth sẽ tại vị đến năm 2027.
Nếu ông Prayuth bị buộc ngưng chức, ông sẽ phải kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới vào tháng 3.2023, dù ông có thể kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử này sớm hơn.
Báo Bangkok Post sáng 24.8 cho biết: sau cuộc họp chính phủ tối 23.8, Phó thủ tướng Wissanu Krea-ngam nói Tòa án Hiến pháp sẽ họp, và phải chờ liệu Tòa có nhận đơn thỉnh nguyện để xem xét hay không.
Ông nói: “Nếu Tòa nhận đơn thì sẽ có quyết định liệu có tạm đình chỉ chức danh thủ tướng của tướng Prayuth cho đến khi ra phán quyết hay không. Nhưng khó có khả năng Tòa sẽ ra quyết định trong hôm nay, vì trước hết còn phải xem xét vấn đề này. Nếu tướng Prayut phải tạm ngưng chức, Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon sẽ là Thủ tướng tạm quyền trong khi tướng Prayuth vẫn kiêm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng”.
Ông Wissanu cũng nhấn mạnh các công chức phải tiếp tục làm việc bình thường, ai không làm việc sẽ bị tuyên vi phạm điều khoản 157 của Luật Hình sự về tội lơ là nhiệm vụ”.
Ngày 23.8, thủ lĩnh đảng đối lập Pheu Thái, Tiến sĩ Cholnan Srikaew nói phe đối lập sẽ chờ xem Tòa án Hiến pháp sẽ nhận đơn thỉnh nguyện hay không: “Nếu Tòa nhận đơn nhưng không tạm ngưng chức của ông Prayuth, phe đối lập sẽ họp bàn động thái kế tiếp”.
Jarun Pukditanakul, một cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp, nhận định có lẽ Tòa sẽ mất hai tháng để xem xét vấn đề trước khi ra phán quyết.
Trong khi đó, nhân chứng nói có 100 người biểu tình phản đối bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Thái Lan hôm 23.8, chỉ trích chính phủ và đòi ông Prayuth từ chức.
Gần 500 cảnh sát đã phong tỏa các khu vực xung quanh Văn phòng Thủ tướng văn ở trung tâm thủ đô Bangkok, lập rào chắn bằng container hàng hóa và phân luồng giao thông.
Theo AP, chưa tới 200 người biểu tình ở Tượng đài Dân chủ, cùng nhiều người đứng xem và giới báo chí. Cuộc phản đối này kết thúc lúc giữa đêm và nối lại sáng 24.8.
Các thăm dò dư luận cho thấy uy tín của ông Prayuth bị giảm sút. Ông bị chỉ trích chính phủ điều hành kinh tế kém, làm tăng nợ công và thất bại trong việc phòng chống tham nhũng, vụng về khi chống dịch COVID-19.
Năm 2020, hàng ngàn người đã xuống đường, đòi chính phủ Prayuth từ chức, đồng thời kêu gọi sửa đổi Hiến pháp và hoàng gia Thái Lan phải cải cách. Phong trào phản đối này do giới sinh viên tổ chức, phần nào do Tòa án Hiến pháp giải tán đảng đối lập Hướng đến Tương lai, theo AP.
Phong trào này có lúc thu hút từ 20.000 đến 30.000 người tham gia ở Bangkok. nhiều cuộc đối đầu với chính quyền đã trở nên bạo lực.
Tuy nhiên, Ông Prayuth, 68 tuổi, cùng chính phủ liên minh đã vượt qua 4 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội Thái Lan kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, gồm lần bỏ phiếu mới nhất hồi tháng 7.