Nội bộ NATO 'lục đục' vì mâu thuẫn lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Quốc tế - Ngày đăng : 16:19, 24/08/2022

Thổ Nhĩ Kỳ tố các máy bay chiến đấu của Hy Lạp "quấy rối" các máy bay chiến đấu của nước này khi đang thực hiện "sứ mệnh quan trọng" của NATO.

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23.8 triệu Tùy viên quân sự Hy Lạp tại Ankara sau khi cáo buộc các máy bay phản lực F-16 của Hy Lạp "quấy rối" máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cụ thể, các máy bay F-16 của Hy Lạp được cho là đã "khóa radar" nhắm mục tiêu vào các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ khi các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ của NATO ở phía Đông Địa Trung Hải. Phía Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phải đưa ra "phản ứng cần thiết" và buộc chiến đấu cơ của Hy Lạp rời khỏi khu vực.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho các quan chức NATO về cáo buộc "quấy rối" trên, và triệu tập quan chức quân sự Hy Lạp ở Ankara, cáo buộc Hy Lạp gây nguy hiểm cho một phái bộ của NATO.

Về phần mình, phía Hy Lạp đã bác bỏ các cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng nước này cho biết 5 máy bay phản lực của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện mà không có thông báo trước cùng máy bay ném bom B-52 của Mỹ di chuyển qua một khu vực không lưu chịu sự kiểm soát của Hy Lạp.

Bộ Quốc phòng Hy Lạp cũng cho biết, đã đuổi theo và ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết thêm rằng Athens đã thông báo cho các nhà chức trách NATO và Mỹ về vụ việc. Hy Lạp hôm 23.8 cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ có 78 vụ vi phạm không phận Hy Lạp với 23 máy bay, 15 trong số đó có trang bị vũ khí.

Mặc dù cả hai đều là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều có những tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ về một loạt vấn đề, bao gồm yêu sách lãnh thổ ở Biển Aegean và các tranh chấp không phận khu vực này. Các cuộc xung đột thậm chí đã đưa hai quốc gia này đến bờ vực chiến tranh 3 lần trong 50 năm qua.

Căng thẳng hai nước leo thang từ tháng 8.2020 sau khi Ankara cử chiến hạm hộ tống tàu thăm dò tới khảo sát địa chấn ở vùng biển mà Athens tuyên bố chủ quyền. Hy Lạp điều chiến hạm đối phó đội tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tổ chức các cuộc diễn tập với đồng minh EU và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để phô trương sức mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Hy Lạp vi phạm các thỏa thuận quốc tế bằng cách quân sự hóa các đảo ở Biển Aegean. Athens cho biết, họ cần phải bảo vệ các hòn đảo - nhiều hòn đảo nằm sát bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ - trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ hạm đội tàu đổ bộ quân sự lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thành viên NATO, đã khiến các quốc gia khác thuộc tổ chức này bị đặt vào thế khó nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và NATO cần nhiều nguồn lực để hỗ trợ Kyiv đối đầu với Nga.


Hoàng Vũ