Canada nhất quyết “dỡ lệnh trừng phạt” lần nữa với Nga bất chấp Ukraine phản đối
Quốc tế - Ngày đăng : 13:54, 25/08/2022
Cụ thể, Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly cho biết Canada vẫn có kế hoạch trả lại 5 tuabin được sử dụng trong đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga - bất chấp việc Gazprom - công ty vận hành đường ống từ chối nhận một tuabin đã được trả lại cho Đức.
Vào tháng 7, chính phủ đã cho phép miễn trừ trách nhiệm trong việc vận chuyển 6 tuabin đang được bảo dưỡng ở Montreal trở về Đức để sau đó được bàn giao cho công ty nhà nước Nga Gazprom, đơn vị vận hành đường ống Nord Stream 1 cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức và các nước châu Âu khác.
Một tuabin đã được trả lại cho Đức nhưng Gazprom từ chối nhận nó, viện lý do các vấn đề kỹ thuật và tuyên bố họ muốn có thêm tài liệu cho thấy thiết bị này không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Bất chấp sự từ chối của Gazprom, Ngoại trưởng Joly nói với CBC News Network kế hoạch vẫn là trả lại năm tuabin còn lại.
Hôm thứ tư, Ngoại trưởng Joly nói trên truyền hình: "Đó là quyết định mà chúng tôi đã đưa ra. Đó chính xác là những gì Đức yêu cầu chúng tôi".
Ukraine đã chỉ trích chính phủ Canada khi đồng ý với yêu cầu của Đức trong việc miễn trừ trừng phạt Siemens Canada để họ có thể trả lại các tuabin. Đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Điện Kremlin sẽ coi động thái này là một dấu hiệu của "sự yếu kém".
Chính phủ liên bang đã bảo vệ động thái này là cần thiết để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Đức. Ottawa cũng lập luận rằng Điện Kremlin sẽ lợi dụng việc Canada từ chối trả lại tuabin để đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt năng lượng của châu Âu là do các lệnh trừng phạt đối với Nga - điều có thể làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng ở phương Tây đối với Ukraine.
Hôm thứ tư, Joly đã lặp lại lập luận đó. Bà nói: “Canada không muốn đưa ra bất kỳ cớ nào để Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục biện minh việc vũ khí hóa dòng năng lượng của mình với châu Âu".
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Canada, Đại sứ Ukraine tại Canada Yulia Kovaliv một lần nữa kêu gọi Canada hủy bỏ lệnh miễn trừ trừng phạt. Bà Kovaliv cho biết rõ ràng Nga sẽ không đón nhận tuabin mà Siemens đã chuyển giao cho Đức, đồng thời cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung cấp khí đốt để đe dọa châu Âu.
Bà Kovaliv phát biểu: “Lập trường của chúng tôi khá rõ ràng - chúng tôi nghĩ rằng sự miễn trừ này nên được hủy bỏ và làm ngay bây giờ”, đồng thời cho rằng việc miễn trừ trừng phạt đó cũng chẳng có tác dụng gì khi đó là chiến lược của Nga.
Thủ tướng Olaf Scholz nói với CBC's Power & Politics rằng Đức sẽ tiếp tục làm việc với Canada để đảm bảo 5 tuabin còn lại được trả lại.
Scholz đã có mặt tại Canada trong tuần này để gặp Thủ tướng Justin Trudeau và ký một "tuyên bố chung về ý định" kêu gọi hai nước đầu tư vào hydro, thiết lập "hành lang cung cấp xuyên Đại Tây Dương-Đức" và hai nước bắt đầu mua bán hydro vào năm 2025.
Tuy nhiên, nghị sĩ Canada người gốc Ukraine Orest Zakydalsky nói rằng chính phủ lẽ ra nên sử dụng chuyến thăm của Scholz như một cơ hội để thu hồi quyền miễn trừ dành cho các tuabin.
Zakydalsky phàn nàn: "Điều đáng thất vọng đối với cộng đồng của chúng tôi là Canada đã bỏ lỡ cơ hội hủy bỏ cấp phép (quyền miễn trừ) trong chuyến thăm của thủ tướng Scholz".
Vào 14.6, Gazprom đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm dòng khí qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40% với lý do là Siemens đã không trả các thiết bị đúng thời hạn vốn được đưa đến Canada để sửa chữa. Nga đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì là do Canada từ chối trả lại thiết bị đã được gửi đi sửa chữa và cảnh báo rằng việc sử dụng đường ống có thể bị đình chỉ hoàn toàn. Lời giải thích này có vẻ hợp lý vì Canada đang theo lệnh trừng phạt của phương Tây nên không thể trợ giúp cho các công ty kinh doanh năng lượng của Nga.
Đức thấy tình hình căng nên muốn trả lại tua bin cho Nga sớm để khơi thông dòng khí. Do lệnh trừng phạt, Canada không thể chuyển tua bin trở lại Nga sau khi sửa chữa. Canada không muốn “mang tiếng” vi phạm lệnh cấm nên nói Đức qua nhận rồi muốn chuyển cho ai thì chuyển. Cụ thể Canada hồi tháng 7 đã quyết định tự "lách" các biện pháp trừng phạt đối với Nga, vì không muốn các lệnh trừng phạt gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Canada đã cấp cho tập đoàn Siemens Energy quyền miễn trừ trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt Nga của Canada, cho phép Siemens Energy gửi tua bin từ đường ống Nord Stream 1 đến các cơ sở của Siemens Canada để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.
Một tua bin đã về Đức kể từ giữa tháng 7 nhưng Nga không chịu tiếp nhận để lắp vào đường ống thuộc Nord Stream 1. Gazprom ra tuyên bố: "Các chế độ trừng phạt ở Canada, ở Liên minh châu Âu và ở Anh, cũng như sự mâu thuẫn trong tình hình hiện tại liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng của Siemens khiến việc giao hàng không thể thực hiện được".
Không những vậy, đến 26.7, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố cắt giảm một phần nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Theo đó, bắt đầu từ 27.7, đường ống dẫn khí đốt chính cho Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ hoạt động ở mức 20% công suất. Gazprom tiếp tục lý giải việc cắt giảm này liên quan đến việc bảo trì tua bin của đường ống. Gần đây, Gazprom tuyên bố sẽ đóng cửa hoàn toàn dây chuyền này trong 3 ngày kể từ 31.8, với lý do cần phải bảo trì đột xuất. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ tích trữ khí đốt của Đức trước mùa đông.
Dòng sự kiện