Hải quân Trung Quốc đang cố 'xóa' đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan
Chuyển động - Ngày đăng : 15:30, 26/08/2022
Đường trung tuyến (tạm viết tắt ĐTT) là một ranh giới trên biển không chính thức giữa Trung Quốc và Đài Loan có từ gần 70 năm qua.
Trung Quốc không công nhận ranh giới do Mỹ vạch ra năm 1954, khi sự thù địch chiến tranh lạnh leo thang giữa Trung Quốc với Đài Loan có Mỹ chống lưng. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc (NPLA) nhiều năm qua cũng tôn trọng lằn ranh này, theo Reuters ngày 26.8.
Nhưng trong tháng 8 này, tàu chiến NPLA liên tục vượt ĐTT, thể hiện sự phẫn nộ của Bắc Kinh trước chuyến thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Trung Quốc đã mở cuộc tập trận lớn ở 6 vùng biển quanh Đài Loan, cụ thể ở phía bắc, đông và nam, với vài cuộc tập trận chỉ cách bờ biển Đài Loan khoảng 120km.
Ngày 4.8, Trung Quốc phóng ít nhất 11 tên lửa đạn đạo gần Đài Loan, với một quả bay qua đảo này, theo các quan chức Đài Loan. Nhật Bản nói 5 tên lửa Trung Quốc đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Trung Quốc còn cho ít nhất 140 máy bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan, gồm 100 chuyến bay qua ĐTT. Các tàu chiến của Trung Quốc cũng vượt qua lằn ranh trên eo biển Đài Loan và lượn quanh đảo.
Một quan chức Đài Loan nói “họ muốn tăng sức ép lên chúng tôi, với mục đích buộc chúng tôi từ bỏ ĐTT”.
Các quan chức Đài Loan nói rằng không thể có chuyện từ bỏ khái niệm có một vùng đệm giữa Đài Loan với Trung Quốc, và sẽ không chấp nhận sự thay đổi nguyên trạng.
Joseph Wu, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan, nói “chúng tôi cần liên kết với các đối tác để bảo đảm ĐTT vẫn ở đó, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.
Các quan chức khác cùng những nhà phân tích an ninh cảnh báo Đài Loan sẽ khó bảo vệ ĐTT mà không làm tăng rủi ro leo thang căng thẳng.
Một quan chức Đài Loan (giấu tên) nói Đài Bắc sẽ phản ứng quân sự nếu quân đội Trung Quốc xâm nhập vùng hải phận 12 hải lý của đảo tự trị. Tuy nhiên, ông nói chưa có ngay kế hoạch cho phép quân đội và cảnh sát tuần duyên Đài Loan có thêm quyền phản ứng.
Bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan đã liên tục khẳng định Đài Loan không bao giờ khiêu khích và không leo thang xung đột.
Điều đáng quan tâm là liệu sự ủng hộ của quốc tế dành cho Đài Loan có đủ hiệu quả để ngăn Trung Quốc vi phạm trên eo biển Đài Loan- tuyến hàng hải tất bật nhất thế giới, liệu các nước có giúp Đài Loan duy trì ĐTT hay không.
Các tàu hải quân Mỹ và phương Tây đã đến eo biển Đài Loan nhằm thể hiện nỗ lực duy trì quyền tự do đi lại, chứ không quyết liệt bảo vệ ĐTT vốn không có cơ sở pháp lý.
Eo biển Đài Loan rộng 180km, và ở đoạn hẹp nhất, ĐTT cách hải phận Đài Loan khoảng 40km.
Việc Trung Quốc tạo sự hiện diện hải quân sát hải phận Đài Loan sẽ buộc quân đội Đài Loan dàn trải, và càng giúp các ý định bao vây hoặc xâm chiếm Đài Loan sẽ trở nên dễ dàng hơn, theo lời cảnh báo của các quan chức đảo.
Không có một thực thể nào để đánh dấu ĐTT. Theo Reuters, từ nhiều năm qua, Trung Quốc ngầm công nhận lằn ranh tưởng tượng này. Nhưng đến năm 2020, một người phát ngôn Bộ Ngoại giaoTrung Quốc tuyên bố “không hề hiện hữu ĐTT”.
Quan điểm này cũng được Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhắc lại. Trong vài ngày qua, các tàu hộ vệ, tàu khu trục của hai bên chơi trò “mèo vờn chuột”, các tàu Trung Quốc tìm cách lách qua các tàu tuần duyên Đài Loan để vượt qua ĐTT.
Chieh Chung,một nhà phân tích an ninh ở Đài Bắc, nói việc Trung Quốc cố ý xóa bỏ ĐTT đã làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột ngoài ý muốn. Ông nhận định Đài Loan cần xem lại quy định giao chiến để quân đội có thêm quyền và được bảo vệ pháp lý khi phản ứng lại các thách thức phức tạp ngày càng tăng của Trung Quốc.
Dự kiến trong vài tuần tới, các tàu chiến Mỹ sẽ đi ngang eo biển Đài Loan nhằm tái lập sự công nhận đây là một vùng biển quốc tế. Động thái này sẽ chọc tức Trung Quốc vốn tuyên bố chủ quyền toàn vẹn tại eo biển này.
Nhưng các tàu chiến Mỹ được cho là sẽ không thách thức các tàu Trung Quốc ở cả hai bên ĐTT.