Nga ngáng trở tuyên bố chung về hạt nhân của Liên Hợp Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 16:02, 27/08/2022

Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) kết thúc sau 4 tuần họp, không đạt được tuyên bố chung do bị Nga phản đối.

Tuyên bố chung cần có sự thông qua của tất cả các quốc gia tham dự hội nghị đánh giá NPT do LHQ tổ chức từ ngày 1 đến 26.8.

Theo các điều khoản được NPT ký duyệt ngày 12.6.1968, 5 cường quốc là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc đồng ý thương lượng nhằm đến lúc sẽ giải giáp kho vũ khí hạt nhân của mình, và các nước không có vũ khí hạt nhân cam kết không sở hữu chúng, đổi lại là được phát triển năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình.  

Hiệp ước NPT quy định các nước tham gia vào hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm đạt đến một thế giới không có loại vũ khí sát thương hàng loạt này.

Hội nghị đánh giá NPT lẽ ra tổ chức 5 năm/lần nhưng đã bị trì hoãn do dịch COVID-19. Đây là lần thứ hai 191 nước tham gia NPT thất bại trong việc đạt đến một tuyên bố chung.

Lần đánh giá gần nhất năm 2015 cũng kết thúc mà không có tuyên bố chung, vì những ý kiến bất đồng trong việc lập một vùng Trung Đông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Các ý kiến bất đồng này vẫn được đề cập, và dự thảo tuyên bố chung mà hãng tin AP có được, đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc lập vùng Trung Đông phi WMD. Vì thế, các ý kiến ấy không bị xem là một trở ngại cho hội nghị đánh giá NPT năm nay.

Vì sao Nga phản đối tuyên bố chung?

Cuối ngày 26.8, Nga không thông qua tuyên bố chung do có sự phê phán quân đội Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân Zhaporizhzhia ở Ukraine sau khi Nga đưa quân vào gây chiến tại Ukraine.

Igor Vishnevetsky, Vụ phó Vụ Không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga nói: “Đáng tiếc là không có sự nhất trí đối với văn kiện này”.

nga-ap.jpg
Đoàn Nga tham dự hội nghị đánh giá NPT - Ảnh: AP

Đại sứ Argentina tại Liên Hợp Quốc là chủ tịch hội nghị, ông Gustavo Zlauvinen nói dự thảo văn kiện cuối cùng thể hiện nỗ lực tốt nhất của ông nhằm giải quyết những quan điểm khác nhau cùng các kỳ vọng “đạt đến một kết quả tích cực” của những nước ký duyệt NPT, “trong một giai đoạn lịch sử mà thế giới chúng ta ngày càng có nhiều xung đột, và đáng báo động nhất là ngày càng tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể tưởng tượng được”.

Nhưng sau phát biểu của Vụ phó Vishnevetsky, Đại sứ Zlauvinen nói với các đoàn dự hội nghị "Tôi nghĩ vào lúc này, hội nghị không đạt được thỏa thuận về mục tiêu quan trọng của nó”.

Vấn đề làm thay đổi động lực của hội nghị là chuyện Nga gây chiến tại Ukraine từ ngày 24.2 cho đến nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dọa rằng Nga là một thế lực hạt nhân có uy lực, và bất kỳ toan tính can thiệp nào sẽ dẫn đến “các hậu quả mà quý vị chưa bao giờ được chứng kiến”.

Ông Putin cũng từng đặt lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao, dù nói rằng “không ai có thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ được phép xảy ra” trong thông điệp gửi đến các đoàn dự lễ khai mạc hội nghị đánh giá NPT ngày 2.8.

Theo AP, lời dọa của tổng thống Nga và việc quân Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở phía đông nam Ukraine, cũng như từng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, đã khiến thế giới lại lo sợ nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân khác.

Quân Nga đã chiếm vùng Chernobyl bị nhiễm xạ nặng ngay sau khi đánh sang Ukraine, nhưng đến cuối tháng 3 thì trả lại cho Ukraine. 

chernobyl-tour-ap1.jpeg
Xe quân sự  Nga trong  nhà máy Chernobyl - Ảnh: AP

Trong dự thảo tuyên bố chung có 4 lần đề cập nhà máy Zaporizhzhia, nơi mà Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về các đợt pháo kích vào khu vực nhà máy, điều khiến các nước tham gia NPT bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc về những hoạt động quân sự” tại hoặc gần nhà máy cùng các nhà máy điện hạt nhân khác.

Dự thảo cũng xác nhận Ukraine mất quyền kiểm soát nhà máy này, và Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) không thể bảo đảm các vật liệu trong nhà máy được bảo vệ an toàn.

Dự thảo ủng hộ nỗ lực thị sát nhà máy của IAEA nhằm bảo đảm không có sự rò rỉ vật liệu hạt nhân. Lãnh đạo IAEA đã hy vọng sẽ tổ chức được chuyến thị sát trong những ngày tới.

Dự thảo cũng bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, nhất là nhà máy Zaporizhzia, nhấn mạnh “tầm quan trọng đặc biệt của việc đảm bảo khả năng kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền của Ukraine”.

Dự thảo viết: “Sự đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ngày nay cao hơn bao giờ hết, từ sau đỉnh điểm Chiến tranh lạnh và gây phương hại đến môi trường an ninh quốc tế”.

Dự thảo cũng kêu gọi các nước ký tham gia NPT “thực hiện nhiều nỗ lực để bảo đảm không bao giờ tái sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Nhiều quốc gia phản đối Nga

Sau khi hội nghị đánh giá NPT không thể nhất trí thông qua tuyên bố chung, hàng chục quốc gia đã bày tỏ quan điểm.

Indonesia phát biểu nhân danh Phong trào Không liên kết gồm 120 quốc gia đang phát triển, bày tỏ sự thất vọng trước thất bại này, gọi tuyên bố chung là “quan trọng nhất”.

Trưởng đoàn Pháp Yann Hwang đọc một tuyên bố nhân danh 56 nước và khối EU, tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng nghỉ dành cho Ukraine, đồng thời chỉ trích Nga có “những luận điệu hạt nhân nguy hiểm, hành động và các tuyên bố khiêu khích về việc nâng mức báo động hạt nhân của nước này”.

Các nước bày tỏ sự lo ngại việc Nga làm tổn hại hòa bình quốc tế và mục đích của NPT “bằng cách phát động trái phép cuộc chiến xâm lược Ukraine”.

Phó trưởng đoàn Nga Andrei Belousov nói hội nghị này “trở thành con tin chính trị” của các nước “bàn luận độc hại” với ngôn ngữ chính trị về Ukraine, và nhằm “tính sổ với Nga bằng cách nêu các vấn đề không trực tiếp liên quan đến NPT”. Ông đổ cho các nước ấy phải chịu trách nhiệm về việc hội nghị đánh giá NPT không đạt được một kết quả tích cực.

Trưởng đoàn Mỹ Adam Scheinman nói: “Nga là nguyên nhân chính dẫn đến sự không đạt đến sự nhất trí này. Những thay đổi phút chót mà Nga tìm kiếm không phải là một vấn đề nhỏ. Chúng nhằm bao che ý đồ rõ ràng của Nga là xóa Ukraine khỏi bản đồ”.

Rebecca Johnson, nhà phân tích hạt nhân người Anh và là đồng sáng lập tổ chức Chiến dịch quốc tế giải trừ vũ khí hạt nhân (từng đoạt giải Nobel Hòa Bình 2017) nói: “Sau nhiều tuần đàm phán vào lúc có chiến tranh, các mối đe dọa hạt nhân tăng cao cùng những rủi ro chưa từng có cấp toàn cầu, điều rõ ràng hơn bao giờ hết hiện nay là phải giải giáp hạt nhân một cách khẩn cấp và cần thiết”.

Bảo Vĩnh