Người dân Đức dự trữ củi khi giá khí đốt tăng cao
Chuyển động - Ngày đăng : 09:18, 28/08/2022
Tác động từ cuộc chiến tại Ukraine khiến lục địa già chìm vào khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Chính phủ các nước châu Âu chạy đua tìm nguồn thay thế khí đốt từ Nga, nỗ lực giảm áp lực chi phí cho các ngành nghề và hộ gia đình. Nhưng phía người dân cũng đã thích nghi tình hình mới bằng nhiều cách tiết kiệm.
“Brennholz” - từ “củi” trong tiếng Đức - đạt lượng tìm kiếm cao nhất trên Google vào giữa tháng 8.
Gần 50% hộ gia đình Đức dùng khí đốt sưởi ấm, 25% dùng dầu sưởi, tỷ lệ hộ sử dụng củi trước đây chưa tới 6%. Tuy nhiên năm nay số hộ dùng củi sưởi ấm có thể tăng, mặc dù giá củi đốt và viên nén mùn cưa cũng tăng theo giá khí đốt. Lò sưởi cùng bếp củi đang cháy hàng.
Các nhà cung cấp không thể theo kịp nhu cầu. Hiệp hội Củi liên bang Đức đầu mùa hè qua cho biết thị trường khan hiếm củi.
Theo hiệp hội, 80% lượng củi Đức sử dụng là nguồn trong nước. Tuy nhiên các nhà cung cấp nước này giờ lại đang mua củi từ Ba Lan, khiến một số người dân ở hai quốc gia lo lắng dự trữ. Để tránh tình trạng gom hàng vì hoảng loạn, một đơn vị bán chỉ cho phép khách mua 3 hộp củi mỗi lần.
Quá trình làm khô sản xuất củi tốn nhiều thời gian nên rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường. Lý tưởng nhất là 6 tháng đến 1 năm, củi càng ẩm càng đốt cháy kém.
Cơn sốt củi còn đem lại tác hại môi trường về lâu dài. Cây cối bị đốn hạ làm củi khó nhanh chóng phục hồi, khói từ đốt củi có chất độc hại.