Gói hỗ trợ lãi suất từ 40.000 tỉ đồng: Khách hàng từ chối vì sợ kiểm toán

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:20, 28/08/2022

Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 4.300 tỉ đồng.

Còn tâm lý ngại nhận hỗ trợ

Theo kết quả rà soát nhanh của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), trên cơ sở 27/44 tổ chức tín dụng dư nợ của các khoản vay thuộc các ngành được hỗ trợ lãi suất có ký hợp đồng và giải ngân từ 1.1.2022 đến nay. Các khoản vay này sẽ có nợ lãi đến hạn từ ngày 20.5.2022 cho đến hết năm 2023 là khoảng 800.000 tỉ đồng.

Đây là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã được vay và thuộc 8 ngành được quy định, trong đó bao gồm cả các hộ không có giấy phép kinh doanh.

lai-suat.jpg

Trên cơ sở con số này, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp rà soát giữa 2 bên và doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện đã quy định thì chắc chắn sẽ được hỗ trợ lãi suất với kết quả hỗ trợ lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều so với số liệu đã công bố. Tuy nhiên, để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp xác định được trong số 800.000 tỉ đồng đó, bao nhiêu thuộc đối tượng hỗ trợ, bao nhiêu không có giấy phép kinh doanh, bao nhiêu còn băn khoăn đến đánh giá khả năng trả nợ vay, khả năng phục hồi… thì đòi hỏi phải có tháo gỡ khó khăn từ các Bộ, các ngành.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỉ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ chậm là do vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước, nên các ngân hàng thương mại thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Vì lẽ đó, các ngân hàng thương mại cũng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước; phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đại diện Ngân hàng Agribank cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31 là 1.700 tỉ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất là 1,5 tỉ đồng cho 361 khách hàng. Dự kiến trong tháng 9, lũy kế dư nợ mà Agribank thực hiện chương trình này là 8.500 tỉ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất là khoảng 15 tỉ đồng. Ước tính đến hết năm nay số tiền lãi hỗ trợ là khoảng 1.000 tỉ đồng, do các kỳ trả lãi dồn vào cuối năm.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết sau 3 tháng triển khai, ngân hàng hỗ trợ được 20 khách hàng doanh nghiệp với số tiền hỗ trợ lãi suất là 66 tỉ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với kỳ vọng.

Tháo gỡ trên mọi khía cạnh

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hỗ trợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng thương mại rà soát danh sách tất cả các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1.1.2022 và có phát sinh kỳ trả lãi từ ngày 20.5.2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Khách hàng được hỗ trợ lãi suất thì phải cập nhật ngay số liệu để Ngân hàng Nhà nước tổng hợp, cùng với các Bộ, Ngành báo cáo kết quả với Chính phủ. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất.

Các ngân hàng nhà nước chi nhánh chủ động đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách, thể hiện tinh thần triển khai quyết liệt từ cơ sở. Đồng thời, cần tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn để thấy được doanh nghiệp nào tiếp cận được, không tiếp cận được gói hỗ trợ này để có giải thích rõ ràng, bảo đảm công khai, minh bạch và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh cần thiết thành lập đường dây nóng tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương để cùng đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp nhận các phản ánh chính sách từ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Tuyết Nhung