Argentina vận động loại trừ thuốc diệt cỏ Đức vì nghi gây ung thư
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:30, 29/08/2022
Tổ chức Các bà mẹ Ituzaingo hiện vẫn đang vận động loại trừ thuốc diệt cỏ ở huyện Ituzaingo thuộc Cordoba, thành phố đông dân thứ nhì Argentina. Tổ chức này được thành lập 20 năm trước sau khi xảy ra nhiều ca ung thư và trẻ sơ sinh dị dạng trong vùng. Các bà mẹ cáo buộc việc phun thuốc diệt cỏ suốt ngày đêm trên các ruộng đậu nành rộng bạt ngàn và gần khu nhà ở gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhà hoạt động Norma Herrera có con gái bị ung thư bạch cầu từ lúc 3 tuổi, cho biết từ khi họ bắt đầu vận động loại bỏ thuốc diệt cỏ thì chính quyền địa phương nói rằng tổ chức này chỉ là những bà mẹ mất trí. Nhưng khi chính quyền xét nghiệm nước máy thì nhận ra nguồn nước đã ô nhiễm do trong các loại thuốc diệt cỏ có lượng sulfate xấu, kim loại nặng, thạch tín và chì.
Bà Norma Herrera nói: “Trên thế giới đã cấm glyphosate nhưng thuốc này vẫn được phun ở đây. Nhiều hàng xóm của tôi đã qua đời trong vài năm gần đây. Các công ty đậu nành ở đây đang phá hủy môi trường”.
Trong huyện Ituzaingo, mỗi gia đình đều có những ca bệnh ung thư bạch hầu và tuyến giáp, hen suyễn, rối loạn chức năng thận, viêm da thần kinh và đẻ non. Phần lớn họ đều cho rằng nguyên nhân là do thuốc diệt cỏ.
Sau đó, Tổ chức Các bà mẹ Ituzaingo đã có được một phán quyết từ tòa án về việc chỉ được phun thuốc diệt cỏ ở cách nhà dân ít nhất 2,5 km. Một nhà nông và một phi công máy bay phun thuốc diệt cỏ thậm chí bị buộc tội phun thuốc diệt cỏ trái phép ở gần khu dân cư.
Thuốc diệt cỏ gây tổn hại không thể cứu chữa
Theo báo Đức Deutsche Welle, mỗi năm có 200 triệu lít thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu được phun vào ruộng trồng đậu nành. Trong đó, Argentina sử dụng thuốc glyphosate nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Nhưng Đức, nước sản xuất thịt lớn nhất châu Âu, mới hưởng lợi lớn vì heo, bò và gà nuôi ở nước này ăn toàn bột đậu nành Argentina.
Nhà hoạt động Herrera nhận định: “Những nhà nông mua đậu nành ở đây để nuôi đàn heo của mình đang gián tiếp gây ra những tổn hại không thể nào cứu chữa. Thủ phạm chính là các chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia. Họ chỉ quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận”.
Theo bà Herrera, chỉ cần đọc Báo cáo Thuốc trừ sâu 2022 đề cập hậu quả gây hại của công nghiệp thuốc trừ sâu hồi đầu năm nay, người ta sẽ hiểu được mức độ thuốc trừ sâu đang được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết. Số nông dân hàng năm mắc bệnh vì ngộ độc thuốc trừ sâu cũng đã tăng ít nhất 385 triệu người trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, thuốc diệt cỏ glyphosate cùng các sản phẩm khác bị xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái đa đạng sinh học.
Xuất khẩu thuốc diệt cỏ, thị phần béo bở của các gã khổng lồ hóa chất
“Thuốc trừ sâu độc hại không được cấp phép hoặc phê chuẩn ở khối EU vẫn có thể được xuất khẩu, gây ra tình trạng tiêu chuẩn kép ở các nước thuộc Nam bán cầu”, là khẳng định của Inka Dewitz, một quan chức cấp cao phụ trách chính sách lương thực của Quỹ Heinrich Boll, đồng tác giả báo cáo trên.
Các tập đoàn Bayer và BASF của Đức hưởng lợi chính từ việc sản xuất và xuất khẩu thuốc diệt cỏ. Họ thống trị 70% thị trường toàn cầu cùng với tập đoàn nông hóa học Syngenta của Trung Quốc và công ty hóa chất và giống Corteva của Mỹ.
Ngành thuốc diệt cỏ là một lĩnh vực béo bở. Vào năm 2020, khoảng một nửa doanh thu hàng năm của các công ty Đức là nhờ bán thuốc diệt cỏ, như Bayer đạt 9.8 tỉ euro, BASF đạt 5,5 tỉ euro.
Dewitz nói: “Bayer và BASF tuân thủ luật pháp quốc gia nên về nguyên tắc, họ nghĩ là họ đúng. Nhưng tại nhiều nước, các quy định lỏng lẻo và kém hơn so với các quy định của EU. Và như vậy, họ xuất khẩu đến nhiều nơi mà họ có nhiều khả năng được cấp phép, nhất là các quốc gia Nam Mỹ”.
Tổ chức Y Tế Thế giới đã xếp thuốc diệt cỏ glyphostae vào loại thuốc “có thể gây ung thư”, nhưng không có thỏa thuận quốc tế nào để cấm sử dụng sản phẩm này. Và dù Đức có một đề xuất cấm xuất khẩu thuốc diệt cỏ kể từ năm 2024, đề xuất này vẫn cần có sự thúc đẩy của Bộ Nông nghiệp Đức.
Dewitz nói: “Về lý thuyết thì EU có một chiến lược cấm tiêu chuẩn kép và các tiêu chuẩn kéo giảm độc hại. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ loại thuốc trừ sâu nào thuộc diện bị cấm. Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu đã có luật về xuất khẩu thuốc trừ sâu và luật này đã có hiệu lực. Chính phủ Đức nên có trách nhiệm noi theo”.