NASA hủy phóng sứ mệnh Artemis 1 do trục trặc động cơ tên lửa
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:50, 29/08/2022
Siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) và tàu vũ trụ Orion của NASA đã được thiết lập để thực hiện sứ mệnh không người lái đầu tiên lên Mặt trăng. Vụ phóng được lên kế hoạch vào lúc 19 giờ 33 ngày 29.8 (giờ Việt Nam) tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Tuy nhiên, chuyến bay đã phải hoãn lại do việc cung cấp nhiên liệu cho tầng cốt lõi của tên lửa SLS trước khi phóng đã gặp trục trặc.
Theo NASA, dường như có một sự cố rò rỉ hydro lỏng khi một động cơ tên lửa RS-25 của Hệ thống phóng vũ trụ SLS đã không tạo ra tốc độ dòng chảy mong muốn trong quá trình "khởi động động cơ". Ngoài ra, động cơ số 3 vẫn còn quá nóng để khởi động, buộc các kỹ sư phải tạm dừng để tìm cách làm mát động cơ. Tất cả bốn động cơ tên lửa phải ở nhiệt độ thích hợp để phóng.
Sau nhiều nỗ lực khắc phục sự cố không thành công, nhóm thực hiện sứ mệnh đã hết thời gian và không thể hoàn thành các công việc chuẩn bị cần thiết để khởi động Artemis 1. Các kỹ sư sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu thử nghiệm từ phương tiện phóng để xác định nguyên nhân của sự cố động cơ tên lửa.
Sự cố rò rỉ nhiên liệu không phải là vấn đề duy nhất NASA phải đối mặt trong quá trình đếm ngược của vụ phóng hôm nay. Các cơn bão ngoài khơi, mưa rào và sấm chớp đã làm trì hoãn việc tiếp nhiên liệu cho tên lửa SLS trong gần một giờ, buộc các bộ điều khiển phóng phải làm việc để bắt kịp thời gian đã mất.
NASA có ít nhất hai ngày dự phòng để thực hiện sứ mệnh Artemis 1. Nếu vấn đề xảy ra với các thiết bị trong hôm nay được giải quyết, NASA có thể thực hiện lại vụ phóng vào ngày 2 hoặc 5.9 trong điều kiện thời tiết cho phép. Cơ quan vũ trụ này cũng đang theo dõi về một số hệ thống thời tiết nhiệt đới đang phát triển trên vùng biển ấm Đại Tây Dương có khả năng đe dọa đến bờ biển phía đông của Florida.
Trước đó vào ngày 27.8, một số tia sét cũng đã đánh trúng hai tháp chống sét của bệ phóng 39B. Theo NASA, không có gì đáng báo động khi các ngọn tháp đã phát huy đúng vai trò của chúng, bảo vệ hệ thống phóng có giá trị khỏi các tác động nguy hiểm. Hồi tháng 4, một trong ba ngọn tháp của bệ phóng 39B cũng bị sét tấn công trong cuộc thử nghiệm tiếp nhiên liệu Artemis 1, nhưng cả SLS và Orion đều không bị ảnh hưởng.
Robert Cabana, Phó giám đốc NASA cho biết, gần 5 thập kỷ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972, NASA thành lập chương trình Artemis nhằm đưa con người hạ cánh ở khu vực chưa khám phá trên Mặt trăng. Đây cũng là nhiệm vụ với những phương tiện mới của NASA như siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion, kể từ khi cơ quan này ngừng hoạt động phi đội tàu con thoi hơn một thập kỷ trước.
Sứ mệnh đầu tiên Artemis 1 sẽ phóng tên lửa SLS dài 98 mét và tàu vũ trụ Orion trong sứ mệnh 42 ngày vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào ngày 10.10. Trong chuyến bay, tàu vũ trụ Orion sẽ bay 64.000 km phía ngoài Mặt trăng, xa hơn 48.000 km so với kỷ lục lập bởi tàu Apollo 13. Lộ trình này mô phỏng chuyến bay mà phi hành đoàn Artemis 2 sẽ thực hiện vào năm 2024. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.
Các nhà quản lý sứ mệnh hôm 22.8 cho biết họ có ý định đẩy mạnh hoạt động của tàu vũ trụ Orion. Hành trình 42 ngày của sứ mệnh cũng dài hơn 10 ngày tiêu chuẩn của các chuyến bay mà NASA đã lên kế hoạch cho phi hành đoàn Artemis. Điều này sẽ giúp NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có thời gian xác định các vấn đề cần giải quyết cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên.
Ở bên dưới tàu Orion là module dịch vụ châu Âu, nơi đặt động cơ đẩy chính và vật tư hỗ trợ sự sống cần thiết cho nhiệm vụ Artemis 1. Orion cũng mang theo một hình nộm “Moonikin” với phần thân được bao phủ bởi các cảm biến để đo tác động của rung động và bức xạ không gian lên cơ thể con người. Bên cạnh đó, một số thiết bị nhỏ sẽ được triển khai từ SLS trong chuyến bay để thử nghiệm các công nghệ thăm dò Artemis mới.
Nhiệm vụ Artemis 1 sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Nhiệm vụ Artemis 2 là chuyến bay có phi hành đoàn mà NASA hy vọng sẽ diễn ra vào năm 2024. Artemis 3, chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng với phi hành đoàn, được nhắm mục tiêu vào năm 2025 và sẽ sử dụng tàu đổ bộ Starship của SpaceX. Nhiệm vụ này sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 địa điểm tiềm năng ở cực Nam Mặt trăng. Nhưng cả hai nhiệm vụ Artemis 2 và 3, tất nhiên đều phụ thuộc vào cách Artemis 1 hoạt động.
Không phải là trùng hợp khi NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis (tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Artemis sẽ tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới. Mục tiêu của chương trình bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam chìm trong bóng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người khám phá sao Hỏa.