Zero COVID tác động mạnh đến sức khỏe tâm thần của nhiều người Trung Quốc

Thế giới gia đình - Ngày đăng : 09:15, 30/08/2022

Zhang Meng suy sụp vào tháng 12.2021. Cô gái 20 tuổi đã khóc nức nở trên cầu thang ký túc xá vì tuyệt vọng khi việc phong tỏa diễn ra nhiều lần trong khuôn viên trường đại học ở Bắc Kinh.

Việc phong tỏa đồng nghĩa Zhang Meng hầu như bị giới hạn trong phòng của mình và không thể gặp gỡ bạn bè. Ngoài ra, cô cũng bị giới hạn nghiêm ngặt về thời gian có thể vào căng tin hoặc đi tắm.

Mô tả bản thân là người khao khát giao tiếp xã hội trực tiếp, Zhang Meng cho biết những hạn chế đã "loại bỏ mạng lưới an toàn đang đưa tôi lên và tôi cảm thấy như toàn bộ con người của mình rơi xuống". Tháng đó, cô bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng.

Yao, cũng 20 tuổi và yêu cầu không sử dụng tên của mình, đã có lần suy sụp đầu tiên ở trường trung học nơi anh học nội trú. Yao không thể hiểu tại sao các chính sách phong tỏa lại khắc nghiệt như vậy. Yao kể rằng một ngày nọ, anh phải trú ẩn trong nhà vệ sinh của trường, khóc rất nhiều "cảm giác như đang khóc từ bên trong".

Đầu năm 2021, khi đang học đại học ở Bắc Kinh, không thể rũ bỏ được căn bệnh trầm cảm và cũng không vui vì đã không tham gia các khóa học mà mình muốn vì sợ làm cha buồn, Yao đã tìm cách tự tử.

Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khắc khe nhất và thường xuyên nhất trên thế giới nhằm quyết tâm dập tắt mọi đợt bùng phát COVID-19, lập luận rằng nó cứu được nhiều mạng người và chỉ ra số người chết trong đại dịch thấp vào khoảng 5.200 cho đến nay.

Đó là nỗ lực không có dấu hiệu sẽ bị loại bỏ, thế nhưng chính sách Zero COVID tác động đến sức khỏe tâm thần của rất nhiều người Trung Quốc, trong đó có Zhang Meng và Yao.

Một bài xã luận hồi tháng 6 trên Tạp chí y khoa Lancet (Anh) viết: "Các vụ phong tỏa ở Trung Quốc đã tạo ra một cái giá lớn về con người với cái bóng của sức khỏe tâm thần ảnh hưởng xấu đến văn hóa, kinh tế của Trung Quốc nhiều năm tới".

Các chuyên gia đặc biệt lo ngại về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, những người dễ bị tổn thương hơn vì tuổi tác, sự thiếu kiểm soát cuộc sống, phải đối mặt với áp lực giáo dục và kinh tế lớn hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Số lượng người trẻ tuổi bị ảnh hưởng là rất lớn. Bộ Giáo dục ước tính vào năm 2020 rằng khoảng 220 triệu trẻ em và người trẻ tuổi Trung Quốc đã bị buộc phải ở tại nhà trong thời gian dài do các hạn chế COVID-19.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi của Reuters về số liệu cập nhật và bình luận về chủ đề này.

zero-covid-anh-huong-manh-den-suc-khoe-tam-than.jpg
Nhà điều hành đường dây nóng cho dịch vụ tư vấn miễn phí trả lời điện thoại ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Người trẻ tuổi dưới áp lực phong tỏa

Các biện pháp hạn chế COVID-19 đôi khi buộc những người trẻ tuổi rơi vào những tình huống ngặt nghèo. Chẳng hạn, trong suốt hai tháng phong tỏa hà khắc năm nay ở Thượng Hải, một số thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi đã phải cách ly một mình tại các khách sạn vì không được phép trở về nhà.

Frank Feng, Phó hiệu trưởng trường quốc tế Lục Tốn ở Thượng Hải, nói: “Họ phải tự nấu ăn và không có người để nói chuyện cùng”.

Trong khi dữ liệu kiểm tra sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi ở Trung Quốc và tác động từ các vụ phong tỏa lẫn đại dịch là rất thưa thớt, điều đó thật sự nghiệt ngã.

Khoảng 20% ​​học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông Trung Quốc học từ xa trong thời gian phong tỏa từng có ý định tự tử, theo một cuộc khảo sát với 39.751 học sinh được thực hiện vào tháng 4.2020 được công bố trên Tạp chí Current Psychology vào tháng 1.2022. Ý tưởng tự sát đôi khi được mô tả là một người nghĩ rằng chết sẽ tốt hơn, dù có thể không có ý định quyên sinh vào thời điểm đó.

Xét rộng hơn ở các nhóm tuổi, tìm kiếm "tư vấn tâm lý" trên Baidu đã tăng hơn gấp ba lần trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đó.

Với nhiều thanh thiếu niên, phong tỏa vì COVID-19 đến trong những năm thi quan trọng. Các giáo viên cho biết nhiều học sinh bị kỳ thị do nhiễm SARS-CoV-2, số khác tuyệt vọng vì muốn tránh bỏ lỡ một kỳ thi đổi đời do mắc COVID-19 hoặc phổ biến hơn là phải cách ly hàng tháng trời trước kỳ thi.

Làm trầm trọng thêm áp lực học tập là triển vọng công việc ảm đạm. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp nói chung ở mức 5,4%, tỷ lệ này ở thanh niên thành thị Trung Quốc đã tăng lên 19,9%, mức cao nhất được ghi nhận, khi việc tuyển dụng của các công ty suy yếu do đại dịch và các cuộc đàn áp về luật pháp với lĩnh vực công nghệ cùng dạy thêm.

Hầu hết học sinh cũng là con một do chính sách một con ở giai đoạn 1980-2015 của Trung Quốc và họ ý thức được rằng sẽ phải giúp đỡ cha mẹ của mình trong tương lai.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Phúc Đán với khoảng 4.500 thanh niên trong năm nay, khoảng 70% bày tỏ sự lo lắng ở các mức độ khác nhau.

Đại dịch và các vụ phong tỏa cũng được cho thúc đẩy sự bất mãn với áp lực lớn để vượt lên trong cuộc sống, biểu trưng là phong trào "nằm yên, mặc kệ tất cả" vào năm ngoái đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc khi nhiều người trẻ chấp nhận ý tưởng làm việc ở mức tối thiểu.

Về phần mình, Bộ Giáo dục đã đưa ra một loạt các biện pháp để cải thiện sức khỏe tâm thần cho học sinh trong thời kỳ đại dịch, bao gồm việc đưa các lớp học sức khỏe tâm thần bắt buộc vào các trường và thúc đẩy tăng cường số lượng cố vấn học đường, bác sĩ trị liệu, bác sĩ tâm thần của đất nước.

Thế nhưng, sức khỏe tâm thần mới chỉ được chú ý ở Trung Quốc trong 20 năm qua và những nỗ lực của Bộ để thiết lập cố vấn trong trường học là tương đối mới. Khuyến nghị được xuất bản vào tháng 6.2021 kêu gọi tỷ lệ ít nhất 1 cố vấn trên 4.000 học sinh trên toàn quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đề cập đến chủ đề này.

zero-covid-anh-huong-manh-den-suc-khoe-tam-than1.jpg
Nhân viên mặc đồ bảo hộ khử trùng lớp tại một trường học để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường sau đợt bùng phát dịch COVID-19 ở thành phố Thượng Hải - Ảnh: Reuters

Một bài viết ngày 6.6 trên tờ China Daily tập trung vào tác động sức khỏe tâm thần của biện pháp hạn chế COVID-19 với các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm cả thanh thiếu niên. China Daily đã dẫn lời Lu Lin, Chủ tịch Bệnh viện số 6 của Đại học Bắc Kinh, nói rằng "tổn thất về sức khỏe tâm thần của người dân do COVID-19 có thể kéo dài hơn hai thập kỷ" .

Dữ liệu từ đầu năm 2020 cho thấy 1/3 dân số sống cách ly tại nhà đã từng trải qua các tình trạng như trầm cảm, lo lắng và mất ngủ. Lu Lin ước tính hầu hết sẽ phục hồi sau khi đợt bùng phát dịch thuyên giảm nhưng 10% sẽ không thể hoàn toàn trở lại bình thường, lưu ý rằng ông có những bệnh nhân tuổi teen đã phát triển chứng nghiện chơi game, khó ngủ, tiếp tục buồn bã và không muốn ra ngoài trời.

Với Zhang Meng, sự bế tắc và chứng trầm cảm sau đó đã hoàn toàn phá vỡ thế giới quan của cô. Sau khi hài lòng với kế hoạch học ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, sự thất vọng với việc phong tỏa khiến cô nảy sinh ý định đi du học.

"Tôi đã khá yêu nước khi tốt nghiệp trung học, cảm giác này đang dần biến mất. Không phải là tôi không còn tin tưởng vào chính phủ nữa, mà là cảm giác rằng mùi khẩu trang và chất tẩy rửa đã thấm sâu vào xương của tôi", Zhang Meng thổ lộ.

Sơn Vân