Nghị quyết 43 ban hành 8 tháng Chính phủ mới trình danh mục dự án là khá chậm
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:20, 30/08/2022
Khó đạt mục tiêu chính sách
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa cho ý kiến vào danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ban hành gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội, nhằm tác động vào tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế.
Việc này thực hiện bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho nhiều lĩnh vực, chủ yếu là hạ tầng (bao gồm cả giao thông, thủy lợi), y tế, lao động, an sinh xã hội, chuyển đổi số... Mục tiêu đưa tăng trưởng GDP của cả nhiệm kỳ đạt 6,5-7% cho cả nhiệm kỳ.
Một số đại biểu khẳng định, Nghị quyết số 43 đã được Quốc hội thông qua từ ngày 11.1.2022. Đến nay sau 8 tháng, Chính phủ mới trình UBTVQH danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình. Mặc dù vậy, danh mục này cũng chưa hoàn thiện, vẫn còn một phần tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư…
Đa số ý kiến cho rằng, đến nay đã qua 1/3 thời gian thực hiện chương trình, Chính phủ mới trình là chậm, làm giảm hiệu quả, ý nghĩa của chương trình.
Các đại biểu đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân chậm, trách nhiệm của các cơ quan khi trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15; đồng thời nêu rõ các giải pháp để bảo đảm việc thực hiện được mục tiêu chương trình và hoàn thành việc giải ngân trong năm 2022, 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, mục đích của việc ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 nhằm tăng bội chi, kỳ vọng nền kinh tế mỗi năm sẽ tăng thêm 1% GDP. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới tiến hành phân bổ vốn, như vậy hiệu quả, tác dụng của chính sách này sẽ khó đạt được mục tiêu, nhưng vẫn cần quyết tâm để triển khai càng nhanh càng tốt.
Ông Thanh đồng tình với tờ trình của Chính phủ về bố trí vốn đối với 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của chương trình để Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế băn khoăn việc bố trí vốn đối với 8 dự án nằm trong nhóm công nghệ thông tin và chuyển đổi số có bị ảnh hưởng, nếu áp dụng theo nguyên tắc quy định trong Nghị quyết 43/2022/QH15 về đảm bảo tính hài hòa vùng miền, lĩnh vực.
Ngoài ra, khoảng 75% trong tổng số 94 nhiệm vụ, dự án này được triển khai trong năm 2022 và 2023, còn 25% dự án triển khai trong những năm tiếp theo, điều này đặt ra hiệu quả hấp thụ giải ngân của các công trình dự án trong 94 dự án thấp; đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình thêm.
Không đồng tình việc chuyển 932 tỉ dư của y tế sang giao thông
Về đề xuất của Chính phủ chuyển 932 tỉ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm do các bộ, cơ quan trung ương không đề xuất sang đầu tư 3 dự án thuộc ngành giao thông, đa số ý kiến không đồng tình với đề xuất này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế nhu cầu vốn cho ngành y tế rất lớn, nhưng Chính phủ đề xuất chuyển vốn sang ngành 3 dự án giao thông, trong đó chỉ có một dự án cấp bách. Vì vậy, đề nghị ngành y tế tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục nhiệm vụ, dự án, báo cáo Chính phủ, trình UBTVQH cho ý kiến trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ đề xuất chuyển nguồn vốn dư này sang các dự án giao thông là không phù hợp, bởi vốn cho lĩnh vực này sẽ “vượt trần” theo quy định, nếu vậy sẽ phải báo cáo Quốc hội cho ý kiến.
Ngoài ra, nhu cầu vốn cho giao thông lớn, bao nhiêu cũng không đủ, Chính phủ có thể sử dụng nguồn vốn dự phòng để đầu tư cho các dự án này.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ và ngành y tế rà soát ưu tiên đầu tư vốn mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam, bởi hai dự án này đã xây xong nhưng chưa có thiết bị để đưa vào sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, mức vốn tối đa đầu tư cho lĩnh vực y tế là 14.000 tỉ đồng, trong đó Nghị quyết nêu rõ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, gắn với phòng chống dịch COVID-19.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã có 10 văn bản gửi các bộ ngành liên quan và UBND các tình, thành phố, yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn rà soát đăng ký danh mục dự án.
Kết quả có 272 dự án, với tổng vốn khoảng 59.000 tỉ đồng đăng ký nhưng qua rà soát của Bộ Y tế giảm xuống còn 144 dự án đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43/2022/QH15, với tổng vốn 13.198 tỉ đồng, thấp hơn dự kiến ban đầu 802 tỉ đồng.
Ông Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, nhu cầu vốn đầu tư ngành y tế rất lớn. Tuy nhiên Bộ Y tế đã bám sát yêu cầu tại Nghị quyết 43 và thời hạn gửi báo cáo đề xuất danh mục nên nhiều dự án có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện về thủ tục, hồ sơ chưa được đưa vào danh mục đề xuất phân bổ vốn lần này...
Đối với 932 tỉ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát đề xuất của các bộ, ngành, các địa phương liên quan để bố trí nguồn vốn này...