Nghĩa cử cao đẹp của những nông dân hiến tạng cứu người

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:55, 30/08/2022

Sau những lần chứng kiến các bệnh nhân không có khả năng, cơ hội ghép tạng để tiếp tục cuộc sống, một số nông dân ở TP.Cần Thơ đã bảo nhau đăng ký hiến tạng, hiến xác khi qua đời.

Mỗi buổi sáng, anh Nguyễn Văn Bình (49 tuổi, ngụ ấp Tân Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) thức giấc lúc 4 giờ 30 phút. Sau khi uống một ly nước ấm, anh dành hơn 30 phút để tập thể dục và chạy bộ. Sau đó anh về nhà lau dọn bàn thờ, thắp nhang cho tổ tiên xong mới vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Chế độ ăn uống của anh Bình cũng rất kỷ luật, thường ăn chay và không sử dụng rượu bia.

Anh Bình cho biết đã duy trì lối sống như trên mấy chục năm qua, nhưng hơn một năm nay, từ khi đăng ký hiến xác cho y học, anh càng ý thức hơn về sức khỏe của mình. “Tôi nghĩ cơ thể mình khỏe mạnh thì khi hiến để phục vụ y học sẽ tốt hơn”, anh Bình nói.

img_5820.jpg
Anh Bình dù bận rộn với công việc đồng áng nhưng không quên công tác thiện nguyện - Ảnh: Nguyên Việt

Khởi xướng cho phong trào hiến tạng, hiến xác là ông Nguyễn Văn Tác (51 tuổi, ngụ xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ). Ông Tác có gần 30 năm làm công tác từ thiện, từ phụ việc ở các bếp ăn bệnh viện, tham gia đội xây nhà, cầu đường rồi lái xe giúp bệnh nhân chuyển viện miễn phí, hơn trăm lần hiến máu... Ông Tác đăng ký hiến tạng khi qua đời là một việc thiện nguyện cuối cùng mà ông muốn hướng đến.

Mấy năm trước, ông Tác bắt đầu tích cực lái xe giúp bệnh nhân chuyển viện. Trong những chuyến đi này, ông đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân muốn sống những không có cơ hội ghép tạng. Với tâm thức của một người có quá nửa đời làm từ thiện, ông động lòng trắc ẩn.

“Đợt đó ngồi dưới sân Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi và mấy anh em lái xe chuyển viện miễn phí ở vùng khác ngồi nói chuyện phiếm với nhau. Trong cuộc nói chuyện, có người chỉ cho tôi chỗ đăng ký hiến tạng. Do đã có ý định từ trước nên tôi gọi điện về nhà thông báo với gia đình rồi đi đăng ký luôn”, ông Tác kể.

z3682689131119_4017730a3b50947c0f980ab96bb0d760.jpg
Ông Nguyễn Văn Tác, người tiên phong trong việc hiến tạng ở Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Khi về lại Cần Thơ, ông Tác kể lại với anh em tài xế trong đội và câu chuyện ông hiến tạng cứ thế lan rộng. Càng nhiều người hiểu ý nghĩa nhân đạo của việc làm này thì danh sách hiến tạng, hiến xác cứ thế dài ra. Theo ông Tác: “Mình mất đi rồi thì có mang theo được gì đâu. Những bộ phận cơ thể của mình có thể giúp ích, cứu được người khác mới là điều đáng quý”.

Còn anh Bình là nông dân rặt, mấy đời đều gắn bó với đồng ruộng. Hiện gia đình 6 thành viên của anh Bình đang canh tác lúa trên đất nhà và đất thuê hơn 120 công ruộng. Công việc có thể nói là làm không xuể, nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cho công tác từ thiện. Anh hiện là thành viên của đội lái xe chuyển bệnh miễn phí ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ.

“Việc ở nhà mình phải chu toàn, xong mình mới làm việc xã hội. Khi rảnh, anh em gọi thông báo có bệnh nhân cần chuyển tuyến là tôi đi ngay, không suy nghĩ. Cả chục người lái xe trong đội cũng vậy, đã tham gia thì ai cũng có ý thức trách nhiệm cao”, anh Bình kể. Việc anh hiến xác cho y học vào năm ngoái cũng khá tình cờ, nhưng anh quyết định không đắn đo, gia đình cũng không hề phản đối vì “đó là việc đúng đắn nên làm”.

Bà Huỳnh Thanh Thảo - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ cho biết, hiến tạng là hành động cao đẹp nhân văn đầy ý nghĩa để đem lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

“Công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng được hội triển khai từ năm 2019. Đến nay, hội đã vận động được 510 lượt đăng ký và được Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và khoa Y - Đại học quốc gia TP.HCM cấp thẻ cho 257 lượt người”, bà Thảo nói.

Nguyên Việt