Biến thể BF.15 nguy hiểm thế nào khi làm náo loạn trung tâm công nghệ ở Trung Quốc?
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:58, 30/08/2022
Đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tuần trước và hầu hết trường hợp đều nhiễm BF.15, biến thể phụ Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc.
Thế nhưng, Jin Dong-yan, nhà vi rút học từ Đại học Hồng Kông, cho biết BF.15 rất giống với các chủng Omicron khác và các biện pháp kiểm soát sẽ không khác nhau.
“BF.15 không phải là điều đáng lo ngại. Nó rất giống với các biến phụ BA.5 khác”, Jin Dong-yan nói.
Các cơ quan y tế Thâm Quyến đã báo cáo 35 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 29.8, trong đó 24 trường hợp có triệu chứng. Chưa có thống kê tổng số ca mắc COVID-19 cho đợt bùng phát đến nay.
6 trong số các ca mắc COVID-19 mới liên hệ gần gũi với các trường hợp được xác nhận trước đó. 14 ca mắc COVID-19 được phát hiện qua sàng lọc nhóm nguy cơ cao. 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện khi họ tìm cách điều trị từ bác sĩ. 12 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng.
5 ca dương tính với COVID-19 nhập cảnh, với 3 trường hợp có triệu chứng.
Ngoài BF.15, ba biến thể Omicron khác - BA.5.2, BA.5.2.1 và BA.2.2 - cũng được tìm thấy trong số các trường hợp này.
Các nhà chức trách Thâm Quyến cho biết các ca mắc COVID-19 gần đây liên quan người nhập cảnh, nhưng không nói rõ họ có thể đến từ đâu.
Lu Hongzhou, người đứng đầu Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến, trung tâm điều trị COVID-19 được chỉ định, nói ông sẽ không loại trừ khả năng biến thể mới mới lây lan đến Thâm Quyến từ Hồng Kông.
“BF.15 là dòng phụ từ BA.5.2.1 và có độ tương đồng cao với trình tự bộ gien được chính quyền Hồng Kông tải lên [vào cơ sở dữ liệu bộ gien của COVID-19] hồi tháng 7”, Lu Hongzhou cho hay.
Lu Hongzhou nói biến phụ này hiếm hơn ở các nơi khác trên thế giới và cần phải nghiên cứu thêm về mức độ nghiêm trọng cùng đặc điểm lâm sàng của nó.
Ông cũng cho biết BF.15 có khả năng cao tránh được kháng thể từ các đợt tiêm vắc xin và khả năng miễn dịch do nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.
Jin Dong-yan nói nhiều người ở Trung Quốc chưa mắc COVID-19 nên khả năng tái nhiễm chủng này của bệnh nhân cũ không phải là mối lo ngại lớn.
Để đối phó với các vụ bùng phát dịch, 4 quận lớn ở Thâm Quyến – Là Hồ, Phúc Điền, Long Cương và Long Hoa - đã cấm ăn uống tại các nhà hàng từ hôm 29.8.
Hầu hết người dân Thâm Quyến giờ đây sẽ phải thực hiện các bài xét nghiệm axit nucleic hàng ngày. Trước đó, nhiều người từng phải xét nghiệm cách ngày như một phần trong cuộc chiến liên tục của thành phố để dập tắt các đợt bùng phát dịch.
Thâm Quyến đã đóng cửa 24 ga tàu điện ngầm, thay đổi một số tuyến xe buýt và đình chỉ các dịch vụ tại các phòng khám sốt ở 5 bệnh viện công để khử trùng. Các nhóm nguy cơ cao như người vận chuyển thực phẩm và nhân viên thực hiện xét nghiệm COVID-19 sẽ được theo dõi liên tục.
Thâm Quyến đang chịu áp lực rất lớn để đảm bảo các vụ bùng phát dịch sẽ không lan sang các vùng khác của Trung Quốc.
Bên ngoài Thâm Quyến, chỉ có 1 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng khác được báo cáo ở tỉnh Quảng Đông hôm 29.8. Đó là tại thành phố Đông Quan và người đó không có triệu chứng.
Jin Dong-yan cho biết làn sóng dịch mới sẽ ít ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định mở lại biên giới đại lục với Hồng Kông. “Đó không phải là vấn đề về khoa học”, ông nói khi đề cập đến chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc liên tục phong tỏa và phong tỏa một phần đã gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các nhà bán lẻ từng phụ thuộc vào khách hàng từ Hồng Kông.
Bầu không khí náo nhiệt thể hiện rõ vào hôm 29.8 khi quận La Hồ, từng là điểm đến nổi tiếng của những người mua sắm ở Hồng Kông, buộc phải phong tỏa ngay lập tức vì lo ngại về những người mang vi rút trong số ít người ở đó.
Một nhân viên bảo vệ hét vào mặt khách hàng đang rời khỏi tòa nhà phần lớn trống trải: “Đi ngay. Đừng để bị phong tỏa!".
Làm việc tại La Hồ hơn 10 năm, Zhuo Meihua cho biết trung tâm mua sắm này rất nhộn nhịp trước đại dịch.
Làm việc trong một cửa hàng bán túi xách, giày dép, đồng hồ, đồ điện tử và các phụ kiện khác, Zhuo Meihua kể: “Chúng tôi có rất nhiều người nước ngoài và người Hồng Kông ở đây, đặc biệt là người Hồng Kông, đôi khi họ đến hai lần một ngày để mua sắm”.
Trước đây, giá thuê cửa hàng là 20.000 nhân dân tệ (2.900 USD) một tháng và các nhà cung cấp quan tâm có thể cần đợi hơn 6 tháng để có chỗ. Kể từ khi biên giới đóng cửa vào năm 2020, hoạt động kinh doanh giảm dần và chỉ 1/3 số cửa hàng vẫn còn hoạt động, Zhuo Meihua nói.
Các nhà quản lý tòa nhà đã miễn tiền thuê hàng tháng và các chủ cửa hàng vẫn chỉ trả phí quản lý hàng tháng 1.500 nhân dân tệ để ở lại. Thế nhưng, công việc kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.
Zhuo Meihua nói: “Chúng tôi không kiếm được tiền trong những năm gần đây. Do căng thẳng về hậu cần, chúng tôi không thể bán hàng trở lại dễ dàng. Ngoài ra cũng không có người mua”.