'Liên tục động khẩu, Trung Quốc thiếu biện pháp đối phó với đạo luật chip 52,7 tỉ USD của Mỹ'
Thế giới số - Ngày đăng : 10:27, 31/08/2022
Các nhóm thương mại được nhà nước hậu thuẫn, bao gồm cả Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT) và Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc, đã tham gia vào dàn đồng ca của truyền thông trong nước và chính phủ lên án đạo luật Chips and Science (Chips và Khoa học) của Mỹ.
Phát ngôn viên của CCPIT - Sun Xiao cho biết tại cuộc họp báo hôm 29.8: “Luật mới sẽ phá vỡ hợp tác bán dẫn 'bình thường' và đầu tư giữa Trung Quốc với Mỹ, làm tổn hại đến lợi ích của các công ty chip toàn cầu, bao gồm cả các công ty Mỹ, phá hoại chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và tăng cường rủi ro địa chính trị”.
Đứng đầu một ủy ban chuyên gia tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Trung Quốc, Li Yong đã gọi luật Chips and Science là hình thức “bá quyền chất bán dẫn”, trong cuộc phỏng vấn với tờ Tân Hoa xã hôm 30.8.
Li Yong cho biết các điều khoản ngăn cản những hãng nhận trợ cấp từ Mỹ mở rộng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở các nước như Trung Quốc là "độc hại".
Đạo luật Chips and Science sẽ làm giảm công suất silicon tổng thể của Trung Quốc xuống 180.000 wafer 12 inch mỗi tháng vào năm 2025, theo một ghi chú nghiên cứu từ ICWise, công ty tư vấn bán dẫn có trụ sở tại thành phố Thượng Hải.
Wafer là mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là silicon tinh thể, trong hình dạng của một đĩa rất mỏng được sử dụng như cơ sở để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon.
Những lời chỉ trích mới phần lớn lặp lại giọng điệu của tuyên bố trước đó từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, nhóm thương mại được nhà nước hậu thuẫn đại diện cho ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của đất nước, tố cáo hành động của Mỹ là vi phạm thương mại công bằng, đồng thời cảnh báo luật có thể dẫn đến hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào đầu tháng này, đạo luật Chips and Science cũng cung cấp 200 tỉ USD cho nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và các công nghệ tiên tiến khác - những lĩnh vực mà Bắc Kinh coi là ưu tiên quốc gia.
Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch tích hợp của Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, còn được gọi là Big Fund, đã phân bổ vốn 343 tỉ nhân dân tệ (50 tỉ USD) cho lĩnh vực chip nước này. Các chính quyền địa phương, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng thành lập các quỹ công nghiệp bán dẫn, với tổng vốn hóa lần lượt là 32 tỉ nhân dân tệ và 50 tỉ nhân dân tệ.
Các nhà phân tích cho biết những lời phàn nàn từ Trung Quốc là dấu hiệu của việc nước này thiếu các biện pháp đối phó hiệu quả, bởi những lời chỉ trích như vậy sẽ không hiệu quả để ngăn những nỗ lực từ Mỹ làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong các công nghệ cơ bản, bao gồm cả chất bán dẫn.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ, thiết bị, vật liệu nhập khẩu để thiết kế và sản xuất chip, khiến nước này khó có thể tự mình tạo ra những đột phá về công nghệ.
Mỹ cũng mời Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan tham gia liên minh Chip 4, bị Bắc Kinh coi là một âm mưu làm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Đặc biệt, Seoul đang cân bằng nhu cầu bảo vệ lợi ích của Hàn Quốc ở Trung Quốc với lợi thế của một liên minh bán dẫn quan trọng, với vai trò chủ chốt trong việc sản xuất chip nhớ trên thế giới.
Bà Yang Hyang-ja, Chủ tịch một Ủy ban Quốc hội đặc biệt về chất bán dẫn, nói Trung Quốc không thể trả đũa Hàn Quốc vì gia nhập nhóm này. Lý do bởi việc Hàn Quốc tham gia vào liên minh bán dẫn do Mỹ dẫn đầu là không thể tránh khỏi, theo báo cáo của tờ Korea Times.
Nhận xét từ bà Yang Hyang-ja được đưa ra trước cuộc họp sơ bộ của các thành viên tiềm năng liên minh Chip 4 để thương lượng các điều khoản và đưa ra kế hoạch hành động. Seoul đã xác nhận kế hoạch tham dự cuộc họp, dự kiến vào đầu tháng 9.
Yang Hyang-ja trước đó đã gặp Xing Haiming, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc. Xing Haiming nói rằng Trung Quốc và Hàn Quốc nên “loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài” khi hợp tác trong ngành bán dẫn.
Samsung Electronics và SK Hynix, hai gã khổng lồ về chip nhớ của Hàn Quốc, đã đầu tư rất nhiều vào nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc là giúp các công ty tránh khỏi những xung đột địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của họ ở Trung Quốc.
Hàn Quốc muốn đạt được sự cân bằng tinh tế giữa các chính sách của hai đối tác thương mại lớn của mình, đồng thời giúp Samsung Electronics và SK Hynix tránh khỏi những xung đột địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích kinh doanh của họ, theo một chuyên gia am hiểu các chính sách của Seoul từ chối tiết lộ danh tính. Tuy nhiên, áp lực từ Washington tăng lên vì đạo luật Chips and Science. Việc thông qua luật đó có thể thúc đẩy nỗ lực của Mỹ trong việc hình thành liên minh Chip 4.
“Nếu Samsung Electronics và SK Hynix khai thác tài trợ của Mỹ, gần như chắc chắn rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng của họ ở Trung Quốc, đặc biệt là do sự phụ thuộc của họ vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ”, Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), nhận định.
Những hãng nhận trợ cấp từ Mỹ bị cấm mở rộng sản xuất ở Trung Quốc ngoài “chất bán dẫn kế thừa” - được định nghĩa là chip được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên - trong 10 năm. Chính phủ Mỹ có toàn quyền quyết định loại thiết bị nào sẽ được phân loại là thiết bị kế thừa trong phân khúc thị trường chip nhớ, nơi Samsung Electronics và SK Hynix là hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đầu tư rất lớn để xây dựng và vận hành các xưởng đúc chip ở Trung Quốc. Theo chuyên gia Hàn Quốc, sẽ khó có khả năng hai công ty này đơn giản rời khỏi những tài sản đó và các lợi ích kinh doanh liên quan trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“So với Đài Loan, Hàn Quốc chịu áp lực lớn hơn chủ yếu vì đầu tư của Samsung vào Trung Quốc kể từ năm 2012 đã đạt 25,8 tỉ USD”, theo Arisa Liu, chuyên gia nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan.
Hai nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics ở thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc chiếm 42% tổng công suất sản xuất NAND flash của công ty.
Arisa Liu nói: “Nếu hai nhà máy lớn này ở Trung Quốc không thể tiếp tục sử dụng các quy trình sản xuất chip tiên tiến hơn nữa, họ có thể mất dần khả năng cạnh tranh”.
Trong khi đó, một nhà máy SK Hynix có trụ sở tại thành phố Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chiếm 45% tổng năng lực sản xuất DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) của công ty.
Việc giữ cho các hoạt động sản xuất đó ở Trung Quốc liên quan trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu phản ánh cách các quan chức cấp cao chính quyền Hàn Quốc đối mặt với nhiều công việc rất khó khăn, khi điều hướng theo vùng ngoại giao phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cùng ngày Chips and Science trở thành luật ở Mỹ (hôm 9.8), đại diện của Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Thanh Đảo, thành phố cảng ở tỉnh Sơn Đông để cam kết củng cố mối quan hệ và chuỗi cung ứng ổn định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Gặp người đồng cấp Hàn Quốc là Park Jin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị cho biết nước này phản đối “chính trị hóa nền kinh tế và vũ khí hóa thương mại” trong một lời chỉ trích ngầm với luật mới của Mỹ.
Trước đó, hôm 8.8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tìm cách xoa dịu những lo ngại về việc nước này gia nhập Liên minh Chip 4 do Mỹ lãnh đạo, cam kết ưu tiên hàng đầu cho lợi ích quốc gia trong việc xác định đường lối hành động của Seoul.
Ông Yoon Suk-yeol nói: “Các cơ quan chính phủ có liên quan sẽ nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này để bảo vệ lợi ích quốc gia. Mọi người không phải lo lắng về điều đó quá nhiều".
Tuy nhiên, cả Samsung Electronics và SK Hynix đều đã đặt cược vào các kế hoạch sản xuất chất bán dẫn mới lớn ở Mỹ.
Vào tháng 7, ông Biden đã ca ngợi kế hoạch từ SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, đầu tư 22 tỉ USD vào các dự án bán dẫn, năng lượng xanh và khoa học sinh học ở Mỹ. Con số này cao hơn cả khoản đầu tư 7 tỉ USD được công bố trước đó vào Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư vào nước này lên gần 30 tỉ USD.
Đầu tháng đó, Samsung Electronics đã vạch ra kế hoạch tiềm năng đầu tư khoảng 200 tỉ USD vào 11 nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) trong vòng 20 năm tới. Điều đó theo sau thông báo của công ty vào tháng 11.2021 về việc xây dựng một nhà máy chip mới trị giá 17 tỉ USD ở bang Texas.