Bay đến Singapore nhận việc, kỹ sư người Trung Quốc bàng hoàng vì bị hủy lời mời làm tại Shopee

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:13, 31/08/2022

Shopee, nhà điều hành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, đã hủy bỏ một số lời mời tuyển dụng vào phút chót.

Điều này gây chú ý ở Trung Quốc khi một người đăng tải hoàn cảnh của mình trên WeChat sau khi đến Singapore.

Tôi đã hạ cánh cùng vợ, chú chó của mình và được thông báo rằng lời mời tôi làm việc từ Shopee bị hủy khi tôi vẫn ở sân bay”, người dùng Lin Ge viết trên tài khoản WeChat của anh cuối tuần qua.

Việc cắt giảm tuyển dụng từ Shopee, thuộc sở hữu của Sea Limited do Tencent Holdings hậu thuẫn, đã ảnh hưởng phần lớn đến các vị trí công nghệ tại Singapore, nơi công ty đặt trụ sở.

Sea Limited là một trong nhiều hãng công nghệ trên toàn thế giới cắt giảm hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái.

Công ty xác nhận với tờ SCMP rằng đã hủy bỏ một số vị trí công nghệ. “Do những điều chỉnh về kế hoạch tuyển dụng các nhóm công nghệ, một số vai trò tại Shopee không còn nữa. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”, Sea Limited cho biết trong một tuyên bố.

Shopee sẽ bồi thường một tháng lương và chi phí đi lại cho những người bị ảnh hưởng, theo một nguồn tin thân cận với công ty từ chối nêu tên vì thông tin không được công khai.

Lin Ge cho biết trong bài đăng trên WeChat của mình: “Quay trở lại ba ngày trước, tôi có thể không tin vào điều đó. Tài khoản chính thức WeChat này được tạo vào ngày 17.5.2022 để chia sẻ cuộc sống của tôi ở Singapore và công nghệ thuật toán. Nhưng hóa ra bài đăng đầu tiên lại nói về tình trạng thất nghiệp, tìm việc và cách thương lượng bồi thường của tôi”.

Câu chuyện của Lin Ge đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội Weibo và Maimai của Trung Quốc, với một số người dùng chia sẻ trải nghiệm tương tự.

Ba ngày trước khi chính thức gia nhập Shopee, tôi nhận được thông báo rằng lời mời tôi làm việc đã bị hủy bỏ”, một người viết trên Maimai, trang mạng chuyên nghiệp cạnh tranh với LinkedIn của Microsoft. Bài đăng đã thu hút hàng trăm lượt bình luận và đăng lại.

ky-su-trung-quoc-khoc-han-vi-bi-huy-loi-moi-lam-o-shopee.jpg
Việc cắt giảm việc làm tại Shopee đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi một bài đăng cho biết kỹ sư bị hủy lời mời làm sau khi hạ cánh xuống Singapore - Ảnh: Shutterstock

Các lĩnh vực khác của Shopee cũng bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm trong năm nay. Vào tháng 6, Shopee đã sa thải nhiều nhân viên khỏi bộ phận giao hàng và thanh toán thực phẩm, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, trích dẫn một email nội bộ từ Giám đốc điều hành Chris Feng.

Sea Limited báo cáo mức lỗ ngày càng lớn trong quý 2/2022 vào bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức. Lỗ ròng tăng hơn gấp đôi lên 931,2 triệu USD, cao hơn 42% so với ước tính đồng thuận là 655 triệu USD, theo dữ liệu của Refinitiv.

Refinitiv là nhà cung cấp toàn cầu của Mỹ-Anh về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính.

Singapore đã trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất với người lao động Trung Quốc tìm cách chạy trốn khỏi nền kinh tế đang chậm lại ở quê nhà và các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt vẫn đang có hiệu lực.

Sau đợt phóng tỏa kéo dài 2 tháng ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đến ngày 1.6, Huang Yimeng, tỷ phú đồng sáng lập công ty trò chơi điện tử khổng lồ XD, cho biết ông sẽ cùng gia đình chuyển ra nước ngoài vào năm tới.

Singapore cũng ngày càng trở nên hấp dẫn với một số công ty Trung Quốc.

Shein, công ty thương mại điện tử thời trang nhanh có trụ sở tại thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) nhưng chủ yếu hoạt động ở nước ngoài, đã và đang đầu tư nguồn lực vào Singapore. Chris Xu, người sáng lập và Giám đốc điều hành Shein, đã trở thành thường trú nhân Singapore.

Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp quần áo là sao chép các xu hướng thời trang cao cấp gần đây và các thiết kế thời trang cao cấp, sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và đưa chúng đến các cửa hàng bán lẻ một cách nhanh chóng, trong khi nhu cầu là cao nhất.

Thường trú nhân là cụm từ dùng để nói đến tình trạng thị thực của người được phép cư trú vô thời hạn tại một đất nước mà họ không phải là công dân sinh ra ở đó và được hưởng tất cả các quyền lợi mà thị thực này mang lại.

Các hãng công nghệ lớn khác ở Trung Quốc đã “tối ưu hóa” lực lượng lao động của họ để đối phó với sự suy thoái kinh tế. Tencent đã cắt giảm lực lượng lao động lần đầu tiên kể từ năm 2014, giảm gần 5.500 nhân viên khỏi biên chế trong quý 2/2022. Cùng quý đó, nhà sản xuất smartphone Xiaomi đã cắt giảm hơn 900 việc làm, gần 3% lực lượng lao động, theo báo cáo thu nhập của hãng.

Alibaba đã sa thải gần 10.000 nhân viên trong quý 2/2022 khi gã khổng lồ thương mại điện tử phải vật lộn với doanh số bán hàng trì trệ trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu và những khó khăn kinh tế ở Trung Quốc.

Tổng cộng 9.241 nhân viên đã rời Alibaba có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) trong quý 2/2022 để cắt giảm nhân sự tổng thể của công ty xuống còn 245.700, giảm từ 254.941 vào cuối tháng 3.2022 và 254.702 vào ngày 30.6.2021. Điều đó khiến tổng số nhân viên Alibaba, chủ sở hữu của tờ South China Morning Post, giảm xuống còn 13.616 người trong vòng 6 tháng tính đến tháng 6.2022, đánh dấu lần giảm quy mô biên chế đầu tiên của công ty kể từ tháng 3.2016.

Việc giảm biên chế phản ánh những nỗ lực đổi mới của Alibaba nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, vì hãng phải đối mặt với áp lực pháp lý liên tục, tiêu thụ chậm chạp và nền kinh tế đang phát triển chậm lại ở Trung Quốc - thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Ngược lại, một năm trước, Alibaba đang thúc đẩy mở rộng quy mô nhân sự khi tăng gấp đôi hoạt động Freshippo - chuỗi bán lẻ độc quyền của tập đoàn này về hàng tạp hóa và hàng tươi sống. Từ tháng 9 đến tháng 12.2020, số lượng nhân viên của Alibaba đã tăng hơn gấp đôi lên 252.084, từ 122.399 người, khi doanh số bán hàng của Freshippo lần đầu tiên tăng trưởng hai con số.

Theo Cheng Yu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kandong Bắc Kinh, cắt giảm một số nhân viên và các hoạt động không cần thiết có thể giúp Alibaba tăng cường tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi cũng như tăng cường biên lợi nhuận của mình.

Cheng Yu nói: “Alibaba có nhiều mảng kinh doanh khó kiếm được lợi nhuận và không phục vụ các mảng kinh doanh cốt lõi của mình. Điều cần thiết là phải loại bỏ những đơn vị như vậy để công ty có thể giảm chi phí và tăng hiệu quả”.

Hôm 4.8, Alibaba báo cáo thu nhập ròng giảm 50% xuống 22,74 tỉ nhân dân tệ (3,4 tỉ USD) trong quý 2/2022, giảm so với 45,14 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu về cơ bản không đổi ở mức 205,56 tỉ nhân dân tệ trong quý trước, so với mức 205,74 tỉ nhân dân tệ cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba - Daniel Zhang Yong sau đó cho biết công ty sẽ bổ sung gần 6.000 sinh viên mới tốt nghiệp đại học vào đội ngũ nhân sự trong năm nay, như một phần của nỗ lực cân bằng giữa việc tối ưu hóa và kiểm soát chi phí.

Hồi tháng 5.2022, Alibaba được cho đã bắt đầu sa thải nhân viên thông qua nhiều đợt cắt giảm việc làm tại các đơn vị kinh doanh bao gồm Taobao Marketplace, DingTalk và Alibaba Cloud, theo báo cáo của tờ Economics Weekly, trích dẫn các nguồn tin công ty giấu tên.

Đó cũng là tháng khi làn sóng cắt giảm việc làm mới ập đến với các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc, bao gồm cả Tencent Holdings, trong bối cảnh áp lực pháp lý tiếp tục và lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở nước này.

Tháng 12.2021, Alibaba đã công bố cuộc cải tổ quản lý lớn nhất của mình phù hợp với nỗ lực của Daniel Zhang Yong để làm cho công ty gọn nhẹ hơn và đạt được sự rõ ràng về chiến lược. Tháng sau, Alibaba đã tái cấu trúc các hoạt động phụ trợ của các nền tảng bán lẻ trực tuyến cốt lõi ở Trung Quốc là Taobao và Tmall.

Dù mảng kinh doanh đám mây được coi là động lực tăng trưởng mới của Alibaba, tăng trưởng doanh thu của đơn vị này đã chậm lại còn 10% trong quý trước, so với mức tăng 20% ​​trong quý 4/2021 và mức tăng 12% trong quý 1/2022.

Về việc cắt giảm nhân sự tiềm năng tại Alibaba Cloud, Zhang Chengyu, người đứng đầu Trung tâm Kỹ thuật số Doanh nghiệp tại công ty nghiên cứu Analysys, cho biết Alibaba Cloud vẫn là một đơn vị đầy hứa hẹn. Chẳng hạn, Alibaba Cloud vẫn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất tại Trung Quốc.

Zhang Chengyu nói: “Xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp là không thể đảo ngược, dù nó bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế vĩ mô và môi trường kinh tế vi mô, dẫn đến biến động về tốc độ tăng trưởng”.

Sơn Vân