Lãnh đạo Apple rời hội đồng quản trị của hãng gọi xe tai tiếng Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 18:43, 31/08/2022
Adrian Perica, Phó chủ tịch phụ trách phát triển công ty của Apple, đã rời hội đồng quản trị Didi, theo thông cáo được đăng trên trang web Didi vào tháng này. Didi đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên. Apple từ chối bình luận.
Adrian Perica là người đứng đầu chiến lược mua bán và sáp nhập của Apple. Việc Adrian Perica rời đi diễn ra sau 1 năm đầy biến động của Didi, kể từ khi công ty tiến hành IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại Mỹ trái với mong muốn của Bắc Kinh vào tháng 6.2021, ngăn cản sự tăng trưởng có ý nghĩa và xóa đi hơn 80% giá trị thị trường của ứng dụng gọi xe.
Vào tháng 5, Didi cho biết sẽ hủy niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York. Tháng trước, Didi đã bị phạt 1,2 tỉ USD vì những vi phạm mà chính phủ Trung Quốc cho rằng làm tổn hại đến an ninh quốc gia, kết thúc cuộc điều tra kéo dài 1 năm.
Adrian Perica gia nhập hội đồng quản trị của Didi vào năm 2016 sau khi Apple đầu tư 1 tỉ USD vào ứng dụng gọi xe, giúp nhà sản xuất iPhone có chỗ đứng an toàn hơn tại thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple, nói vào thời điểm đó rằng động thái này là một “khoản đầu tư tài chính tuyệt vời”.
Adrian Perica, cựu Giám đốc ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), gia nhập Apple vào năm 2009 và báo cáo trực tiếp với Tim Cook.
2 năm qua, Apple đã hạn chế giao dịch mua bán hay thỏa hiệp với ai đó, khi các gã khổng lồ công nghệ trở nên thận trọng hơn trong một nền kinh tế không chắc chắn.
Tháng 7.2021, ngay sau khi dịch vụ gọi xe Didi lên sàn chứng khoán New York (Mỹ), các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố các cuộc điều tra sâu rộng với công ty này, xóa 25 ứng dụng của họ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) yêu cầu các cửa hàng ứng dụng, bao gồm cả App Store của Apple và AppGallery của Huawei, gỡ ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing vô thời hạn, cho đến khi được phê duyệt lại. Các ứng dụng liên quan đến Didi cũng bị gỡ với cáo buộc thu thập bất hợp pháp dữ liệu người dùng.
Wang Sixin, Giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho rằng Didi sở hữu rất nhiều dữ liệu quan trọng về hệ thống đường sá, phương tiện giao thông cũng như thói quen người dùng. Loại dữ liệu này có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia.
Trên thực tế, vi phạm của Didi không phải thu thập thông tin người dùng mà bị cáo buộc lưu trữ dữ liệu đó bên ngoài Trung Quốc và chia sẻ chúng với các cơ quan quản lý nước ngoài như một phần của quy trình IPO.
Trong kỳ nghỉ lễ Ngày Lao động kéo dài 5 ngày đầu tháng 5 ở Trung Quốc, người dùng Weibo nhận thấy rằng Jean Liu, Chủ tịch Didi, đã đặt các bài đăng trên tài khoản Weibo của cô ở chế độ riêng tư. Cha cô, Liu Chuanzhi, người thành lập hãng máy tính Lenovo, cũng làm như vậy với tài khoản Weibo của ông.
Vì cả hai đều không đăng bất cứ điều gì trong hơn nửa năm, tài khoản của họ xuất hiện dưới dạng trang trống. Dù vậy, tài khoản Weibo của Jean Liu và Liu Chuanzhi vẫn ở trạng thái hoạt động, chưa bị xóa.
Jean Liu có hơn 10,4 triệu người theo dõi trên tài khoản Weibo cá nhân, trong khi cha cô có hơn 878.000 follow.
Jean Liu, cựu Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs, thường được coi là đại sứ công khai của Didi. Cô từng sử dụng Weibo để giải quyết các phàn nàn và bình luận của người dùng về Didi, theo một báo cáo từ Financial Times.
Dù hai cha con Jean Liu không đưa ra lý do chuyển tài khoản Weibo sang chế độ riêng tư, nhiều người cho rằng họ quyết định làm như vậy để tránh sự giám sát ngày càng gia tăng của Trung Quốc với lĩnh vực công nghệ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi các lĩnh vực như internet, viễn thông và giáo dục là nhạy cảm vì những lo ngại về chính trị hoặc an ninh quốc gia. Đây là động thái trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát lĩnh vực công nghệ nước này.
Vào tháng 12.2021, Didi đã cúi đầu sau nhiều tháng chịu áp lực từ chính phủ Trung Quốc, cho biết sẽ hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York và niêm yết ở Hồng Kông.
Hồi tháng 5, Didi tiết lộ rằng đang phải đối mặt với áp lực bổ sung từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) liên quan đến việc vi phạm niêm yết của mình.
"Sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ, SEC đã liên hệ với chúng tôi và đưa ra các câu hỏi liên quan đến đợt chào bán", Didi cho biết trong báo cáo thường niên.
Do cựu Giám đốc tại tập đoàn Alibaba - Cheng Wei thành lập năm 2012, Didi chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc sau khi đánh bại đối thủ Uber của Mỹ vào 2016.
Ứng dụng Didi có hơn 15 triệu tài xế, hơn 500 triệu người dùng, là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để gọi xe tại các thành phố đông dân của Trung Quốc.