Trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có nguy cơ mắc ung thư cao hơn trẻ bình thường?
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:06, 02/09/2022
Kỹ thuật đông lạnh phôi người thành công từ năm 1984. Những trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh đầu tiên giờ đã trên 35 tuổi. Gần đây, khuynh hướng chuyển phôi đông lạnh đang thay thế dần chuyển phôi tươi trong thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được sinh ra bằng cách sử dụng phôi đông lạnh có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn những đứa trẻ được sinh ra bằng các phương pháp khác.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, phát hiện này nên thúc đẩy các phòng khám sinh sản tránh xa phương pháp "đông lạnh tất cả" các phôi, cho đến khi biết nhiều hơn về việc phôi đông lạnh và rã đông có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thế hệ tương lai như thế nào.
Được biết, vào những năm 1970, các bác sĩ Anh bắt đầu lấy trứng ra khỏi những phụ nữ gặp khó khăn trong quá trình thụ thai và cho trứng thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Các nhà nghiên cứu gọi đây là quy trình thử nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), và sau nhiều lần thử nghiệm, em bé trong ống nghiệm đầu tiên đã ra đời vào năm 1978.
Ngày nay, công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) đề cập đến tất cả các phương pháp điều trị liên quan đến việc xử lý trứng hoặc phôi bên ngoài cơ thể, và điều này bao gồm IVF cũng như một số biến thể của nó. Các quy trình này thường được kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ sinh sản để tăng tỷ lệ thành công và khoảng 22% các quy trình ART (hoặc chu kỳ) có thể thành công và kết thúc bằng việc sinh em bé.
Ước tính rằng, cứ 12 trẻ em ở Châu Âu thì có gần 1 trẻ được sinh ra sau các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản, bao gồm cả thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhưng ngày càng nhiều, phôi IVF được đông lạnh trong vài tháng - hoặc vài năm - trước khi được rã đông và cấy để mang thai.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa PLOS Medicine, các nhà nghiên cứu tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển đã phân tích dữ liệu y tế từ gần 8 triệu trẻ em ở các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển. Trong số đó, hơn 170.000 trẻ được sinh ra sau khi sử dụng ART, bao gồm 22.630 trẻ được sinh ra từ phôi đông lạnh.
Christina Bergh, giáo sư sản phụ khoa tại Đại học Gothenburg và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, những đứa trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có nguy cơ ung thư cao hơn khoảng 1,6 đến 1,7 lần so với những đứa trẻ được sinh ra từ phôi tươi và những đứa trẻ được sinh ra mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ phương pháp điều trị sinh sản nào.
Những phát hiện này được cho là rất đáng chú ý, vì số lượng trẻ em sinh ra bằng phương pháp phôi đông lạnh đang gia tăng và ở nhiều quốc gia, hiện đã vượt quá số trẻ em được sinh ra từ phôi tươi. Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh macrosomia - thuật ngữ y tế để chỉ trường hợp em bé được sinh ra lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình của tuổi thai - có liên quan đến nguy cơ ung thư ở trẻ em.
“Có thể có mối liên hệ với các hormone và các yếu tố tăng trưởng gây ra sự phát triển quá mức. Bởi vì ung thư là một loại phát triển quá mức của một số tế bào, vì vậy có một số điểm tương đồng giữa ung thư và các yếu tố tăng trưởng của trẻ", bà Bergh cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, điểm mạnh chính của nghiên cứu mới của họ là quy mô lớn khi đánh giá các nhóm dân số sinh ra trong khoảng thời gian lên đến 30 năm ở bốn quốc gia Bắc Âu cùng lượng dữ liệu lớn thu thập được từ các cơ sở đăng ký sức khỏe chất lượng cao.
Phân tích của các nhà khoa học cho thấy, những đứa trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có nguy cơ ung thư cao hơn những đứa trẻ được sinh ra sau khi chuyển phôi tươi và những đứa trẻ được sinh ra mà không có sự trợ giúp của ART.
Các loại ung thư phổ biến nhất được tìm thấy trong nghiên cứu này là ung thư bạch cầu và các khối u của hệ thần kinh trung ương.
"Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn ở trẻ em sinh ra sau chuyển phôi trữ lạnh vẫn đang được nghiên cứu. Mỗi loại ung thư ở trẻ em đều có yếu tố nguy cơ riêng, nhiều bệnh ung thư ở trẻ được cho là bắt nguồn từ các tai nạn phôi thai và bắt nguồn từ tử cung", nghiên cứu cho hay.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Gothenburg (Thụy Điển) nhấn mạnh rằng phát hiện của họ nên được giải thích một cách thận trọng, vì dù nghiên cứu có quy mô lớn, nhưng số lượng trẻ em sinh ra sau khi chuyển phôi đông lạnh mắc ung thư là thấp (48 trường hợp), điều này có thể hạn chế khả năng thống kê của phân tích.
Tuy nhiên, những phát hiện này có thể làm dấy lên lo ngại về việc đông lạnh phôi và nhóm nghiên cứu cho biết, cần có thêm nghiên cứu trong tương lai để xác nhận mối liên hệ có thể có giữa quy trình này và việc tăng nguy cơ ung thư, cũng như bất kỳ cơ chế sinh học nào có thể tạo ra nguy cơ như vậy.
Họ cũng lưu ý rằng, nghiên cứu trên chủ yếu dựa trên dữ liệu có được từ quan sát và các yếu tố khác như di truyền, sức khỏe định kiến của cha mẹ và lối sống không thể bị loại trừ.
“Thông điệp của chúng tôi là bạn nên dừng việc đông lạnh phôi vì lý do y tế, không phải vì lý do khác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, dường như trẻ sinh ra từ phôi đông lạnh có nguy cơ mắc ung thư cao hơn ở trẻ sơ sinh từ chuyển phôi tươi. Và các bạn nên cẩn thận hơn một chút về phương pháp đông lạnh", Giáo sư sản phụ khoa Christina Bergh - tác giả nghiên cứu - cho hay.