Mỹ cấm bán 2 chip AI cho Trung Quốc, Nvidia mất 40 tỉ USD, Alibaba, Tencent và Huawei bị ảnh hưởng

Thế giới số - Ngày đăng : 16:51, 02/09/2022

Cổ phiếu các hãng chip Mỹ sụt giảm mạnh, với chỉ số bán dẫn chính giảm hơn 3%, sau khi Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) cho biết các quan chức Mỹ yêu cầu họ ngừng xuất khẩu các bộ vi xử lý tiên tiến dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc.

Cổ phiếu Nvidia giảm mạnh 11%, trên đà giảm tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2020, trong khi cổ phiếu của đối thủ AMD giảm gần 6%.

Vào giữa ngày 1.9, khoảng 40 tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia đã "bốc hơi". 30 công ty tạo nên chỉ số bán dẫn Philadelphia (.SOX) đã mất tổng giá trị thị trường chứng khoán khoảng 100 tỉ USD.

Các nhà giao dịch đã mua bán số cổ phiếu Nvidia trị giá hơn 11 tỉ USD, nhiều hơn bất kỳ loại cổ phiếu nào khác trên Phố Wall.

Việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc với hai trong số các chip máy tính hàng đầu của Nvidia dành cho trí tuệ nhân tạo - H100 và A100 - có thể ảnh hưởng đến doanh thu tiềm năng 400 triệu USD ở thị trường Trung Quốc trong quý tài chính hiện tại, công ty cảnh báo trong một hồ sơ hôm 1.9.

AMD cũng cho biết các quan chức Mỹ đã yêu cầu họ ngừng xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu sang Trung Quốc, nhưng không tin rằng các quy tắc mới sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của mình.

Lệnh cấm từ Mỹ báo hiệu sự đàn áp mạnh tay với năng lực công nghệ của Trung Quốc khi căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng leo thang vì nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi đến Đài Loan, nơi sản xuất chip cho Nvidia và hầu hết các hãng chip lớn khác.

Nhà phân tích Atif Malik của Citi viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi nhận thấy sự leo thang trong các hạn chế bán dẫn của Mỹ với Trung Quốc và sự biến động gia tăng với nhóm thiết bị cùng bán dẫn sau bản cập nhật của NVIDIA”.

ndivia-mat-40-ti-usd-sau-khi-bi-my-cam-ban-2-chip-ai-hang-dau-cho-trung-quoc.jpg
Khoảng 40 tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán của Nvidia đã "bốc hơi" sau khi Mỹ cấm bán 2 chip AI hàng đầu cho Trung Quốc

Thông báo này cũng được đưa ra trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rằng ngành công nghiệp chip toàn cầu có thể đang phải đối mặt với đợt suy thoái doanh số đầu tiên kể từ năm 2019, khi lãi suất tăng cùng các nền kinh tế trì trệ ở Mỹ và châu Âu cắt giảm nhu cầu với máy tính cá nhân, smartphone và các thành phần trung tâm dữ liệu.

Chỉ số chip Philadelphia hiện đã mất gần 16% kể từ giữa tháng 8, giảm khoảng 35% vào năm 2022, ghi nhận kết quả hoạt động trong năm dương lịch tồi tệ nhất kể từ năm 2009.

Alibaba, Tencent, Baidu, Huawei bị ảnh hưởng

Những hạn chế mới với xuất khẩu chip tiên tiến của Nvidia sang Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự suy thoái của ngành.

Nhà phân tích Angelo Zino của hãng CFRA Research cho biết: “Nhìn bề ngoài, có vẻ như chính phủ Mỹ đang tìm cách hạn chế bán các chip tiên tiến thế hệ tiếp theo, từ 7 nanomet trở xuống, đặc biệt cho mục đích quân sự ở Trung Quốc”.

Các chip Nvidia và AMD mà Mỹ nhắm tới được sử dụng cho các ứng dụng AI và học máy, đặc biệt là xây dựng các mô đun đào tạo cho các tác vụ như xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Các mô đun này cũng có thể hữu ích cho quân đội trong việc tạo mô hình mô phỏng bom và thiết kế vũ khí.

Các nhà theo dõi thị trường cho biết các hạn chế này có khả năng ảnh hưởng đến một loạt công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm cả Alibaba Group Holding Ltd, Tencent Holdings Ltd, Baidu Inc và Huawei Technologies Co.

Nếu không có chip của Mỹ từ các công ty như Nvidia và AMD, các hãng Trung Quốc sẽ không thể làm ra loại máy tính tiên tiến được sử dụng để nhận dạng hình ảnh và giọng nói cùng nhiều tác vụ khác một cách hiệu quả về chi phí.

Nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên phổ biến trong các ứng dụng tiêu dùng như smartphone có thể trả lời các truy vấn và gắn thẻ ảnh. Chúng cũng được sử dụng trong quân sự như dò tìm hình ảnh vệ tinh để tìm vũ khí hoặc căn cứ và lọc thông tin liên lạc kỹ thuật số cho mục đích thu thập thông tin tình báo.

Nvidia cho biết dự tính kiếm được doanh thu 400 triệu USD từ tiền bán chip A100 và H100 cho Trung Quốc trong quý 3/2022. Song, số tiền này có thể bị mất nếu các công ty Trung Quốc quyết định không mua các sản phẩm thay thế của Nvidia.

Nvidia có kế hoạch nộp đơn xin miễn trừ quy tắc nhưng không chắc chắn rằng các quan chức Hoa Kỳ sẽ thông qua.

Hôm 31.8, Nvidia cũng cho biết rằng động thái này có thể cản trở sự phát triển của chip H100 hàng đầu của họ, dự kiến ​​sẽ xuất xưởng vào cuối năm nay.

Ngày 1.9, Nvidia thông báo chính phủ Mỹ đã cho phép xuất khẩu và chuyển giao công nghệ cần thiết để hoàn thành việc phát triển chip H100. Các quan chức Mỹ cũng đã ủy quyền cho công ty thực hiện các hoạt động xuất khẩu cần thiết để cung cấp hỗ trợ cho các khách hàng Mỹ dùng chip A100 đến hết ngày 1.3.2023.

Nvidia cũng đã được phép thực hiện các đơn đặt hàng chip thông qua cơ sở ở Hồng Kông đến ngày 1.9.2023.

Người phát ngôn của Nvidia cho biết khách hàng Trung Quốc vẫn phải xin giấy phép từ chính phủ Mỹ cho công nghệ này.

AMD đã không trả lời câu hỏi về việc liệu họ có nhận được sự ủy quyền tương tự hay không.

Lệnh cấm xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo đến khi Nvidia vào tuần trước đã dự báo doanh thu giảm mạnh trong quý 3/2022 do ngành công nghiệp game yếu hơn. Nvidia nói dự kiến ​​doanh thu quý 3/2022 là 5,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Meta, Qualcomm ký thỏa thuận về chip thực tế ảo tùy chỉnh

Meta Platforms đã ký một thỏa thuận để nhà sản xuất chip Qualcomm sản xuất chipset tùy chỉnh cho các thiết bị thực tế ảo Quest của mình. Hai công ty đã công bố điều này tại một hội nghị điện tử tiêu dùng ở thủ đô Berlin (Đức) hôm 2.9.

Họ cho biết các nhóm kỹ thuật và sản phẩm của công ty sẽ làm việc cùng nhau để sản xuất chip, được cung cấp bởi nền tảng Snapdragon của Qualcomm.

Thỏa thuận này báo hiệu một cam kết liên tục của Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) với công nghệ Qualcomm ngay cả khi họ cố gắng phát triển silicon tùy chỉnh của riêng mình cho mảng thiết bị thực tế ảo, tăng cường và hỗn hợp đã lên kế hoạch.

Điều khoản tài chính của thỏa thuận không được tiết lộ.

Các chipset được sản xuất thông qua sự hợp tác sẽ không dành riêng cho Meta Plaforms, nhưng sẽ được tối ưu hóa đặc biệt cho các thông số kỹ thuật hệ thống của Quest, Tyler Yee - người phát ngôn của Meta Plaforms nói với Reuters.

Thỏa thuận này chỉ bao gồm các thiết bị thực tế ảo và Meta Plaforms sẽ tiếp tục làm việc để phát triển một số giải pháp silicon mới của riêng mình.

"Có thể có những tình huống chúng tôi sử dụng silicon bán sẵn hoặc làm việc với các đối tác trong ngành về các tùy chỉnh, đồng thời khám phá các giải pháp silicon mới của riêng mình. Cũng có thể có những trường hợp chúng tôi sử dụng cả giải pháp tùy chỉnh và đối tác trong cùng một sản phẩm. Đó là tất cả về việc làm những gì cần thiết để tạo ra những trải nghiệm metaverse tốt nhất có thể", Tyler Yee nói.

Meta Plaforms đã dựa vào chip Qualcomm cho các thiết bị thực tế ảo của mình trong nhiều năm, bao gồm cả tai nghe Quest2 gần đây nhất, chiếm khoảng 90% thị trường phần cứng thực tế ảo, theo công ty tình báo thị trường IDC.

Meta Plaforms cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ như kính xuyên sáng và kính thực tế tăng cường khi cố gắng làm hiện thực hóa tầm nhìn của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg về metaverse, khái niệm liên quan đến một tập hợp đa dạng của thế giới kỹ thuật số.

Sơn Vân