Mỹ đẩy mạnh cạnh tranh với Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Quốc tế - Ngày đăng : 10:31, 04/09/2022
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, hội nghị là sự kiện tượng trưng cho giá trị lịch sử và mối quan hệ của nhân dân Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương.
Hội nghị trên chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vài năm gần đây lan rộng tầm ảnh hưởng sang các đảo quốc Thái Bình Dương làm xói mòn thế thống trị lâu nay của Mỹ, thúc đẩy mối đe dọa quân sự tiềm tàng đối với Mỹ cùng đồng minh.
Tổng thống Joe Biden cần nhân dịp gặp gỡ sắp tới củng cố uy tín của Mỹ cũng như xóa tan hoài nghi về cam kết mà Washington dành cho khu vực trong giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.
Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman thuộc tổ chức RAND Corporation cho biết: “Loạt hoạt động của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, trong đó có thỏa thuận an ninh ký với Quần đảo Solomon và chuyến thăm 8 nước trong 10 ngày do Ngoại trưởng Vương Nghị thực hiện, đã cảnh tỉnh Mỹ về cạnh tranh ở khu vực quan trọng, nhạy cảm về địa chính trị này. Hội nghị thượng đỉnh đem lại cho Washington cơ hội làm sâu sắc thêm quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương, đẩy lùi quan điểm Mỹ đang đánh mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc”.
Thỏa thuận an ninh Quần đảo Solomon - Trung Quốc ký kết tháng 4 bất chấp phản đối từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, New Zealand, là hồi chuông cảnh báo việc Washington bỏ bê ngoại giao với các đảo quốc Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng.
Cách tiếp cận thay đổi ngay sau khi Quần đảo Solomon ký thỏa thuận an ninh. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cùng điều phối viên Nhà Trắng phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell công du Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea thúc đẩy một khu vực tự do cởi mở. Sau đó Mỹ mở lại Đại sứ quán tại Quần đảo Solomon đồng thời ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về khí hậu, y tế, ngoại giao nhân dân.
Đến tháng 6, Mỹ bắt tay Úc, Nhật, New Zealand, Anh giới thiệu sáng kiến khí hậu “Thái Bình Dương xanh”. Một tháng sau, Phó tổng thống Kamala Harris nhân dịp phát biểu tại Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF) thông báo Mỹ mở Đại sứ quán ở Kiribati và Tonga, tái khởi động chương trình giao lưu Peace Corps tại khu vực.
Đến tháng 8, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman gặp gỡ đại diện các đảo quốc Thái Bình Dương, cam kết Mỹ sẽ giúp đỡ chống biến đổi khí hậu, chống đánh bắt hải sản phi pháp.
Nhiệm vụ sắp tới sẽ là gia hạn Hiệp ước Hợp tác tự do (COFA) sắp hết hạn, quy định Mỹ cung cấp hỗ trợ tài chính và quyền di cư không cần thị thực cho Micronesia, Palau, Quần đảo Marshall. Ngược lại 3 đảo quốc không cho nước khác ngoài Mỹ tiếp cận lãnh thổ đất liền, vùng biển lẫn không phận.
COFA với Quần đảo Micronesia và Marshall hết hạn vào năm 2023, COFA với Palau hết hạn vào năm 2024. Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo vào tháng 2 đã thúc giục đẩy nhanh quá trình đàm phán gia hạn. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kritenbrink cũng khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu. Tổng thống Biden vào tháng 3 bổ nhiệm quan chức Joseph Yun làm đặc phái viên phụ trách đàm phán.
Nỗ lực ngoại giao nêu trên cho thấy Mỹ nhận thức rõ mối nguy mà Trung Quốc đem lại cho Washington cùng đồng minh ở khu vực. Theo giáo sư Howard Stoffer thuộc Đại học New Haven: “Mỹ phải lo lắng về từng đảo quốc Thái Bình Dương, họ sẽ đi theo hướng nào. Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính cho các đảo quốc, chúng ta phải đem lại thứ khác chẳng hạn như bảo vệ quân sự chiến lược hoặc đảm bảo thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu”.