Lễ hội sầu riêng ở Đắk Lắk: Nhìn lại hành trình 20 năm

Góc bình luận - Ngày đăng : 14:37, 04/09/2022

Tối 1.9, Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ 1 năm 2022 đã được tổ chức tại Quảng trường Tân An, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Trong 3 ngày của lễ hội (từ 1-3.9), dòng người từ khắp nơi xuôi theo Quốc lộ 26 (đoạn qua huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đến đây để hòa mình vào Lễ hội sầu riêng Krông Pắc do UBND huyện này tổ chức.

Lễ hội có khoảng 200 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân của các địa phương trong huyện cùng một số địa phương trong tỉnh. Các gian hàng trưng bày đủ loại sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng của vùng đất đỏ bazan và của huyện Krông Pắc. Tuy nhiên, sầu riêng, “vua các loại trái cây” là sản phẩm chính của lễ hội.

lehoisaurieng-2-.jpg
Lễ hội sầu riêng ở Krông Pắc

Những nhà vườn Đắk Lắk, Đắk Nông, đặc biệt là người dân huyện Krông Pắc - những người đã viết lên kỳ tích biến Đắk Lắk thành tỉnh có diện tích, sản lượng sầu riêng lớn nhất nước, với doanh thu trên dưới 6.000 tỉ đồng vào năm 2021. Và chắc sẽ còn tăng nữa.

Vào mỗi mùa sầu riêng trên Quốc lộ 26, đoạn Buôn Ma Thuột đi Nha Trang, hàng ngày, hàng trăm xe container xếp hàng bốc xếp vận chuyển sầu riêng để đi tiêu thụ trong và ngoài nước.

Hình ảnh này vui quá đi chứ!

lehoisaurieng-5-.jpg
Sẫu riêng là loại trái cây chính tại lễ hội

Cùng nhìn lại chương trình, phong trào trồng sầu riêng vào vườn cà phê Đắk Lắk từ năm 2002 tới nay.

Trước đó, Đắk Lắk là địa bàn phát triển cà phê “hot” nhất cả nước. Tuy nhiên, cà phê rớt giá có lúc chỉ còn 4.000 đồng/kg vào những năm 2000-2002. Tình hình quả là “gay go”. Khi đó, ông Y Luyện Niek Đăm – Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk (2000-2005), tôi và lãnh đạo tỉnh đau đầu tìm giải pháp. Bao trăn trở họp, hội ý đưa ra các giải pháp căn cơ, trước mắt… Và cuối cùng, chúng tôi có một giải pháp là đưa thêm các cây trồng khác như sầu riêng, bơ, mắc ca, ca cao… vào trồng nhiều ở tỉnh.

Chúng tôi mời Công ty Dona Techno từ Đồng Nai lên đầu tư chi nhánh và Trung tâm cung cấp giống cây ăn quả, mà chủ yếu là sầu riêng Thái Lan lên Buôn Ma Thuột. Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch, Giám đốc Công ty lúc đó lên triển khai…

Ra chủ trương đưa sầu riêng vào trồng xen với cà phê, mỗi hecta, chúng tôi tỉa bớt cây cà phê đi và đưa vào 15-25 cây sầu riêng. Với tư duy là sầu riêng che bóng, lấy quả, tăng thu nhập phụ với thu nhập cây cà phê lâu dài.

Khi tưới nước bón phân cho cây cà phê thì cây sầu riêng “ăn ké” nước phân thừa của cà phê… Như vậy vừa tiết kiệm và vừa giảm ô nhiễm: một mũi tên hai mục đích.

Khi ấy, nhiều ý kiến từ các chuyên gia cà phê và một số lãnh đạo không đồng thuận lắm. Cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng khuyên tôi “thận trọng”.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải thì nói vui tại một hội nghị rằng “Trồng sầu riêng Đắk Lắk chắc thành công, nhưng trồng như phong trào sau này không khéo đổ đống trước nhà Hai Luyện và Thằng Lạng đấy nhé”.

Có người phản đối mạnh mẽ cho là không khoa học, chưa có cơ sở khoa học… Nhưng thực tiễn thì cũng đã có các vườn cà phê trồng sầu riêng từ trước 1975, sau 1975 thành công nhưng mật độ trồng sầu riêng thấp hơn, và không kịp cho điều tra đánh giá hiệu quả sinh thái, môi trường, kinh tế. Tuy nhiên, Bí thư tỉnh ủy và tôi vẫn kiên trì, quyết tâm, đôn đốc, chỉ đạo chương trình này.

Công ty cà phê Phước An do Giám đốc Thuỵ hăng hái tiên phong triển khai đồng loạt, quy mô lớn, và vận động nhân dân, đồng bào dân tộc xung quanh làm theo. Rồi nhiều nơi trong tỉnh nhân dân ủng hộ…

lehoisaurieng-4-.jpg
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ 1 năm 2022 không chỉ là nơi giới thiệu đặc sản sầu riêng và các loại cây đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, mà còn là nơi quảng bá văn hóa, du lịch... 

Thế là 20 năm một chặng đường khó khăn gian khổ đã đến đích thành công tạo ra trong cơ cấu cây trồng vùng đất đỏ bazan cà phê bạt ngàn có đến hàng ngàn hecta sầu riêng quy đông đặc.

Công đầu là của nông dân, của doanh nghiệp, của các cán bộ kỹ thuật khuyến nông bám dân, vận động, hướng dẫn, giúp dân trồng thành công. Đắk Lắk đã thành thủ phủ cà phê, thủ phủ ngô lai, bông, bơ và nay là thủ phủ sầu riêng của Việt Nam rồi!

Cám ơn đồng bào các dân tộc Đắk Lắk, Đắk Nông, Công ty Dona Techno, ông Y Luyện Niek Đăm… và mọi người.

TS.Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (2001-2005)

UBND huyện Krông Pắc cho biết, doanh nhân Nguyễn Phú Cường – Giám đốc Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona Techno bị đột quỵ và qua đời khi đang tham gia Lễ hội sầu riêng Krông Pắc.

Trong chuỗi sự kiện tại Lễ hội sầu riêng Krông Pắc, doanh nhân Nguyễn Phú Cường đã tham dự "Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc 2022" với tư cách người xây dựng thương hiệu sầu riêng Dona. Lúc đang chia sẻ về hiệu quả kinh tế mà sầu riêng mang lại cho nông dân Tây Nguyên, doanh nhân Nguyễn Phú Cường đã bị đột quỵ tại hội nghị và qua đời lúc 11h30 phút ngày 2.9 tại bệnh viện.

Doanh nhân Nguyễn Phú Cường – Giám đốc Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona Techno là người xây dựng thương hiệu sầu riêng Dona tại Việt Nam và là người có công đem giống sầu riêng Dona lên Đắk Lắk vào những năm 2000.