Hôm nay 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới
Sự kiện - Ngày đăng : 08:37, 05/09/2022
Ngày 5.9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD-ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.
Với chương trình lớp 3 mới, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.
Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. So với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm 1 tiết/tuần.
Với lớp 7, chương trình giáo dục phổ thông mới không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. Tuy nhiên, số tiết và nội dung vẫn giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.
Nếu như năm học trước, học sinh ở nhiều địa phương phải dự lễ khai giảng, hát Quốc ca, chào cờ qua tivi hoặc màn hình điện thoại, máy tính thì năm nay, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh cả nước lại được hân hoan chào đón Lễ Khai giảng trực tiếp tại trường.
Những ngày qua, để chuẩn bị cho lễ khai giảng, nhiều địa phương, các trường đã hoàn thiện cơ sở vật chất, kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên để chuẩn bị đón năm học mới. Nhiều địa phương tổ chức ngày tựu trường vào ngày 22.8 với lớp 1 và ngày 29.8 với các bậc học còn lại.
Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hôm nay, ngày 5.9.2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch COVID-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập.
Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, Lễ Khai giảng ở các trường được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm, lấy học sinh làm trung tâm. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Chào cờ, hát Quốc ca; tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; đọc thư của Chủ tịch nước nhân năm học mới và đánh trống khai trường. Ở phần hội, các trường tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi vui tươi để Ngày Khai giảng thực sự mở đầu cho một năm học với những cảm xúc thiêng liêng và tràn đầy hứng khởi.