Hai quốc gia có thể giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng năng lượng

Quốc tế - Ngày đăng : 10:39, 05/09/2022

Trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bỗng nhiên đóng vai trò quan trọng trong giải quyết khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu Âu.

Suốt nhiều năm qua, bán đảo Iberia không hề kết nối với mạng lưới đường ống và nguồn cung khí đốt Nga giá rẻ cung cấp năng lượng cho phần lớn lục địa già. Bồ Đào Nha lại chẳng hề có mỏ than, giếng dầu hay mỏ khí đốt. Vì vậy nước này cùng láng giềng Tây Ban Nha đầu tư mạnh mẽ vào nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, đồng thời thiết lập hệ thống nhập khẩu khí đốt từ Tây Phi, Bắc Phi, Mỹ và vài nơi khác.

Giờ đây khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng thay thế nêu trên mang ý nghĩa mới. Tình hình hiện tại làm thay đổi cán cân quyền lực giữa 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), tạo ra cả cơ hội lẫn căng thẳng chính trị khi khối tìm cách đối phó sức ép từ Nga, quản lý quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, xác định đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết.

Nhiệm vụ mà châu Âu cần thực hiện rất cấp thiết. Ngày 31.8, công ty dầu khí quốc gia Nga Gazprom ngừng cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn. Giá khí đốt tăng cao gấp khoảng 10 lần so với cách đây một năm khiến EU phải triệu tập cuộc họp khẩn vào tuần này.

Khả năng nhận khí đốt thông qua Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang thu hút được chú ý lớn. Hai quốc gia ở bán đảo Iberia là thuộc số quốc gia châu Âu đi đầu xây dựng trạm xử lý chuyển đổi khí đốt hóa lỏng (LNG) thành dạng hơi cho doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng.

LNG đắt hơn khí đốt Nga cấp qua đường ống. Tuy nhiên trong bối cảnh lục địa già phải “cai nghiện” khí đốt Nga thì bất lợi lại biến thành lợi thế.

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm 1/3 năng lực xử lý của châu Âu. Tây Ban Nha có nhiều trạm xử lý và sở hữu trạm lớn nhất, Bồ Đào Nha thì nằm ở vị trí chiến lược nhất.

Trạm xử lý LNG trên địa bàn thành phố Sines (Bồ Đào Nha) là điểm gần với Mỹ và kênh đào Panama nhất, cũng là trạm đầu tiên ở châu Âu nhận LNG từ Mỹ năm 2016. Trước lúc cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Washington đã xác định đây là cửa ngõ quan trọng chiến lược để xuất năng lượng cho phần còn lại của lục địa già.

Tây Ban Nha cũng lập nên mạng lưới đường ống cùng cơ sở lưu trữ lớn phục vụ hoạt động nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Algeria và Nigeria.

por02.jpg
Trạm xử lý LNG trên địa bàn thành phố Sines - Ảnh: The New York Times

Mạng lưới năng lượng trên bán đảo Iberia là lý do khiến thảo luận về kết nối điện và khí đốt qua Pháp bất ngờ được hồi sinh. Đến cả Đức - quốc gia phụ thuộc nặng vào khí đốt Nga - cũng tỏ ý ủng hộ. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vừa gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz bàn về giá năng lượng tăng vọt.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa xác định một đường ống khí đốt mới từ Sines đến biên giới giáp Tây Ban Nha có thể giúp châu Âu tự chủ về năng lượng. Một đường ống ngầm qua dãy núi Pyrenees nối liền Tây Ban Nha và Pháp bị bỏ hoang cách đây 3 năm vì cơ quan quản lý hai nước xác định hạ tầng này quá đắt đỏ mà lại chẳng cần thiết.

Năng lượng làm nảy sinh căng thẳng

Theo nhà chính trị học Simone Tagliapietra thuộc nhóm nghiên cứu Bruegel, xây đường ống khí đốt mới sẽ giúp giải quyết một trong những điểm nghẽn năng lượng lớn của châu Âu, cung cấp thêm tuyến đường khác để khí đốt đến Đức lẫn nhiều quốc gia khác.

Pháp phản đối ý tưởng xây đường ống mới. Nhà chính trị học Tagliapietra cho rằng sở dĩ Paris không đồng ý một phần vì muốn bảo vệ các đơn vị sản xuất năng lượng cùng ngành công nghiệp hạt nhân của nước này.

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha phản đối mạnh mẽ chỉ tiêu cắt giảm tự nguyện 15% lượng khí đốt sử dụng mà EU đề ra với toàn khối vào tháng 7. Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha chỉ trích nặng nề các nước dùng năng lượng quá mức cần thiết, người đồng cấp Bồ Đào Nha tức giận khi khối chẳng chịu đầu tư thiết lập mạng lưới chung có thể giúp giảm chi phí năng lượng ở bán đảo Iberia mà lại buộc nước này và Tây Ban Nha phải cắt giảm nếu tình trạng thiết hụt xảy ra.

Chuyên gia Carlos Torres Diaz thuộc công ty tư vấn Rystad Energy cho biết đôi khi ưu tiên của quốc gia xung đột với nỗ lực thiết lập mạng lưới chung đem lại lợi ích cho toàn khối. Một mạng lưới như vậy có thể đem lượng điện dư thừa - điện gió ở Bồ Đào Nha, điện mặt trời ở Tây Ban Nha - gửi sang phần còn lại của châu Âu góp phần giảm bớt thiếu hụt. Trong quá khứ, Bồ Đào Nha từng chia sẻ điện cho Tây Ban Nha.

Jaime Silva - chuyên gia công nghệ cấp cao thuộc công ty năng lượng Fusion Fuel (Bồ Đào Nha) - cho biết thiết lập đường dây cáp điện qua Pháp để chuyển năng lượng xa hơn về phía bắc là dự án tương đối dễ dàng nhanh chóng, nhưng lại luôn bị Paris ngăn chặn.

“Nếu Pháp không muốn mua năng lượng thì ít nhất hãy để chúng tôi bán cho Đức, Hungary, Cộng hòa Czech, Áo, Luxembourg, Bỉ. Họ cần năng lượng ngay lập tức”, chuyên gia Silva bày tỏ.

Khả năng sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng gây sức ép lên thị trường năng lượng châu Âu. Hai nước cho rằng EU cần cơ cấu lại hệ thống tính giá điện dựa trên giá khí đốt. Thị trường hiện tại được cơ cấu để khuyến khích năng lượng tái tạo phát triền vào thời điểm khí đốt còn rẻ, nhưng nay giá khí đốt tăng chóng mặt kéo theo giá điện lên cao.

Trước sức ép từ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, EU tháng 6 qua đồng ý cho bán đảo Iberia hưởng ngoại lệ: có quyền đặt mức trần giá điện cũng như tách giá điện khỏi giá khí đốt trong vòng 1 năm – động thái nhận phải chỉ trích can thiệp thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước nhấn mạnh phải cải cách hệ thống cho phù hợp thực tế mới.