An Giang: Gói bắp đùm cô Lệ bán không xuể, nuôi con ăn học thành tài

Văn hóa - Ngày đăng : 14:32, 07/09/2022

Món bắp đùm của cô Lệ đã trở nên quen thuộc với nhiều người bởi không chỉ ngon mà còn vì cái tình được gói ghém trong đó.

Độ “hót” gói bắp đùm hơn 14 năm qua

Hơn 14 năm qua, tại căn nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Cẩm Lệ (51 tuổi, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) mỗi sáng sáng vẫn nghi ngút khói bắp thơm phức. “Thương hiệu” bắp đùm cô Lệ không chỉ gắn bó với phần lớn học sinh, người lao động vì giá rẻ, mà còn nhiều và ngon. Món ăn này cũng mang lại nguồn thu nhập chính để cô nuôi 2 đứa con mình ăn học thành tài.

Khoảng 4 giờ sáng mỗi ngày, khi mọi người còn say giấc ngủ, cô Lệ bắt đầu cho công việc làm bắp đùm của mình.

“Tôi thức dậy lột bắp (khoảng 100 trái bắp nếp) sau đó bào bắp rồi đem xay nhuyễn. Ướp số bắp xay nhuyễn với muối, đường, nước cốt dừa (phải vắt thật đặc) rồi trộn đều để bắp thấm gia vị. Tiếp đó, tôi lấy miếng lá chuối có kích thước khoảng 2cm (phơi hơi héo ngày trước đó) gói bắp. Sau đó, cho bắp vào xửng đem đi hấp khoảng 15 phút thì bánh chín”, cô Lệ nói.

1-bap-dum.jpg
Những gói bắp đùm nóng hổi được cô Lệ bày ra bán cho thực khách - Ảnh: Tô Văn

Sáng sớm, sạp bắp đùm của cô Lệ chưa kịp chuẩn bị xong, khách đã đến ghé mua. Cô Lệ đứng bán chính, một tay lấy bắp, một tay chụm củi cho xửng hấp, thoăn thoắt tay chân mà vẫn bán không xuể. Thế mới thấy gói bắp đùm của cô Lệ “hot” như thế nào!

“Giá mỗi gói bắp đùm đầy ắp có giá 5.000 đồng. Gói bắp đùm thơm ngon sẽ có đầy đủ những thành phần bắp, nước cốt dừa. Đặc biệt, khi ăn nếu rắc lên một lớp muối mè thì không có từ nào diễn tả. Chỉ mới… nghe thôi đã thấy thèm rồi chứ nói chi đến thưởng thức”, một thực khách cho biết.

3-bap-dum.jpg
Gói bắp đùm thơm ngon sẽ có đủ thành phần bắp, nước cốt dừa - Ảnh: Tô Văn

Sạp bắp đùm nuôi 2 con ăn học thành tài

Lúc còn trẻ, cô Lệ rời quê lấy chồng làm ruộng rẫy. Sau khi sinh 2 đứa con, vợ chồng lục đục rồi ly hôn nên một mình cô dẫn 2 đứa con về quê mở sạp bắp đùm.

Cô chia sẻ: “Hồi xưa khổ lắm, nhưng muốn 2 đứa con được vô đại học nên tôi phải làm đủ thứ nghề. Món bắp đùm tôi học được từ ba mẹ truyền lại nên mở bán thử… Cũng nhờ nó mà 2 đứa con bây giờ học nên người và hiện nay đã đi làm”.

2-bap-dum.jpg
Không chỉ nuôi con ăn học thành người, sạp bắp đùm cô Lệ còn là một bữa sáng no bụng của những người lao động nghèo hay học sinh vùng nông thôn - Ảnh: Tô Văn

Không chỉ giúp con cái ổn định cuộc sống, sạp bắp đùm cô Lệ còn giúp phần nào cuộc sống của những người lao động nghèo hay học sinh. Bởi cô biết “họ cần ăn no để có sức làm, sức học, mình không tăng giá có là gì đâu, dù hiện nay vật giá đang leo thang từng ngày”. Vì vậy mà có nhiều người gắn bó với gói bắp đùm cô Lệ, đồng thời để lại cho cô nhiều kỉ niệm.

“Trời ơi nhiều đứa học sinh ăn đâu từ năm ba năm trước, tốt nghiệp ra trường đi làm đâu đó ở TP.HCM, một bữa được dịp về quê là tới kiếm tôi cho bằng được. Chúng nói con thèm gói bắp đùm cô quá. Nghe mà thấy vui tai! Còn nhiều khi mình làm đông quá không để ý cũng có khách cự chứ, nói sao họ chờ trước mà bán sau, mình cũng cười xin lỗi thôi!”. Cô Lệ kể về những kỉ niệm nơi sạp bắp đùm bằng nét chân thật của người miền Tây và với nụ cười duyên trên môi.

Tô Văn