Minh tinh Thẩm Thúy Hằng qua đời
Văn hóa - Ngày đăng : 16:01, 07/09/2022
Thông tin trên được bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - xác nhận với phóng viên Một Thế Giới vào chiều nay (7.9). Tuy nhiên chi tiết về thời gian mất, nơi mất của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng vẫn chưa được cập nhật cụ thể, chỉ biết bà qua đời vì tuổi già.
Thẩm Thúy Hằng vừa là minh tinh màn bạc, vừa là biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bà tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Năm 1941 bà theo gia đình di cư vào miền Nam, gia đình bà chọn An Giang để lập nghiệp và Thẩm Thúy Hằng lớn lên tại đây.
Thuở nhỏ, bà theo học trường Huỳnh Văn Nhứt - Long Xuyên. Hết bậc Tiểu học, Kim Phụng lên Sài Gòn ở với người chị theo học Trung học tại trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định.
Năm 16 tuổi bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác. Ông chủ hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho bà nghệ danh Thẩm Thúy Hằng. Từ đó, bà nổi lên như một ngôi sao sáng của điện ảnh Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970.
Không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam, tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng còn được biết tới tại nhiều nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan…
Với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, ra mắt công chúng năm 1958. Từ đó cái tên “Người đẹp Bình Dương” trở thành thương hiệu của bà trong nhiều thập kỷ.
Ngoài vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương, một vai diễn khác cũng rất đẹp của Thẩm Thúy Hằng từng gây được tiếng vang góp phần đưa tên tuổi của bà vang lừng khắp trong và ngoài nước đó là vai Chức Nữ trong bộ phim Ngưu Lang Chức Nữ cũng do hãng phim Mỹ Vân sản xuất do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn.
Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm. Đạo diễn phim là Lê Mộng Hoàng cùng các diễn viên Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi... Sự thành công rực rỡ của Chiều kỷ niệm làm tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thêm nổi tiếng, bà tiếp tục cho ra đời thêm các bộ phim Nàng, rồi Ngậm ngùi, đều thu được thành công rực rỡ.
Bà tham dự nhiều liên hoan phim, xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia...
Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, bà viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ... Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga...
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam tham gia diễn xuất các bộ phim như Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu… Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn dáng chú ý trong Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn... Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.