Biến đổi khí hậu làm thay đổi trang phục của con người
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 18:07, 07/09/2022
Theo giám đốc công ty phân tích xu hướng tiêu dùng WGSN Lorna Hall, trang phục được thiết kế để chống chịu nắng nóng từ sản phẩm thị trường phụ nay trở thành dòng hàng chủ đạo. Tuy nhiên quá trình thay đổi cũng đầy thách thức.
Mặc ít đi, đơn giản hơn
Giáo sư sinh lý học môi trường George Havenith (Đại học Loughborough, Anh) cho biết trong một số trường hợp, mặc ít đi là cách tốt nhất để giảm nhiệt.
Xu hướng đáng chú ý là đấu tranh để quần ống ngắn dưới 13cm trở thành trang phục được chấp nhận chốn công sở, hoặc nam tài tử Brad Pitt mặc váy chỉ dài đến gối tại một buổi ra mắt phim dưới trời nóng 35 độ C vào tháng 7 vừa rồi.
Ngay cả việc cởi cúc áo, bỏ cà vạt... cũng hữu ích. Lúc Tây Ban Nha hứng chịu nắng nóng mùa hè qua, Thủ tướng Pedro Sanchez kêu gọi người dân ngừng đeo cà vạt, qua đó giảm nhu cầu dùng máy điều hòa, tiết kiệm được năng lượng.
Phó chủ tịch công ty Planalytics Evan Gold cho biết 5 năm qua, chỉ riêng thay đổi về thời tiết đã làm tăng doanh số bán quần đùi và giày quai hậu lên 0,5%, trong khi đó doanh số bán áo khoác và trang phục lông cừu giảm 1%.
Cải thiện khả năng thông khí
Trang phục làm mát cơ thể người chủ yếu xoay quanh khả năng lưu thông không khí qua vải tùy theo chất liệu, khoảng cách giữa các sợi, độ mỏng của chất liệu. Tuy vậy trang phục cũng phải đủ dày để che chắn tia cực tím, cũng như đủ bền để chịu được nhiều lần giặt.
Tại một số nơi có khí hậu nóng từ trước đến nay như Bắc Phi hay Nam Á, người ta có nhiều cách chống nóng truyền thống như trang phục rộng rãi hoặc che nhiều phần cơ thể. Nhưng nay công nghệ cũng có thể giúp đỡ họ.
Trang phục làm mát giá cả phải chăng đáng chú ý nhất là áo thun AIRism của hãng Uniqlo, sử dụng chất liệu vải tỷ lệ 71% cotton, 25% polyester và 4% spandex. Phiên bản có pha cotton tạo cảm giác mát dịu ngay lúc đầu mặc vào, sau đó dưới điều kiện nhiệt độ cao sẽ dính vào da tạo cảm giác như đổ mồ hôi lạnh. Uniqlo cho biết áo thun AIRism được khách hàng đón nhận tích cực.
Áo thun Cooling Temp-iQ của hãng Dickies có giá cao hơn AIRism một chút, dùng chất liệu vải 50% cotton pha 50% polyester. Dickies cho biết họ còn sử dụng một công nghệ tiên tiến giúp làm mát hoặc làm ấm theo dấu hiệu cơ thể người mặc đưa ra.
Một sản phẩm làm mát đáng chú ý khác là CoolLife Tee được công ty Mỹ LifeLabs sản xuất. Áo dùng polyethylene - loại polymer tương tự như loại dùng cho túi nhựa, tạo cảm giác mát mẻ không khác gì đi chân trần trên sàn gạch.
Công ty Ministry of Supply sản xuất ra Atlas Tee bằng công nghệ dệt kim máy tính - tương tự in 3D - tạo thêm không gian giữa các sợi. Sản phẩm này nhẹ hơn áo thông thường, mang lại cảm giác mát mẻ dù bên ngoài mặc thêm trang phục khác.
Công ty Kontoor Brands sở hữu 2 thương hiệu Wrangler và Lee cũng chuẩn bị bán sản phẩm Insta-Cool bản nâng cấp tại Mỹ vào năm tới. Áo dùng công nghệ vật liệu thay đổi pha (phase-change) vốn do NASA tạo ra để làm mát cho phi hành gia, mực làm từ sáp cùng vài vật liệu khác sẽ được in bên trong hoạt động như bộ tản nhiệt.
Thấm hút mồ hôi
Mồ hôi - cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể - đặt ra vấn đề nan giải cho các nhà sản xuất trang phục làm mát.
Hầu hết trang phục làm mát đều được quảng cáo thấm hút mồ hôi. Tuy nhiên Giáo sư Glen Kenny (Đại học Ottawa, Canada) lại cho biết thấm hút nhiều quá sẽ phản tác dụng.
Mồ hôi làm mát thông qua quá trình bay hơi giải phóng nhiệt từ cơ thể vào không khí. Bay hơi diễn ra càng gần da, lượng nhiệt giải phóng càng nhiều. Trang phục khi thấm hút mồ hôi sẽ đưa mồ hôi ra xa khỏi da, giữ cho cơ thể khô ráo nhưng khiến quá trình bay hơi kém hiệu quả, theo Giáo sư Kenny. Ông khẳng định lau khô mồ hôi để làm mát là quan niệm sai lầm.
Đánh đổi
Trong một số trường hợp, sản xuất trang phục làm mát có thể làm trầm trọng thêm vấn đề khí hậu khác.
Một trong những loại sợi tự nhiên thoáng khí nhất là cotton. Nhưng theo Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, để tạo ra 1 pound (454gr) xơ sợi cotton cần đến gần 1.600 lít nước.
Loại cotton tốt nhất để làm mát là cotton Pima làm ra trang phục mỏng nhẹ, nhưng lại tốn nhiều nước hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Mỹ Sara Kozlowski nhận định đánh đổi giữa tính năng thông khí làm mát với tính bền vững của trang phục là bài toán hóc búa. Tuy nhiên so với sợi polyester mất nhiều thập niên để phân hủy, ít nhất sợi tự nhiên như cotton có thể phân hủy nhanh hơn, tốt cho môi trường.