Châu Âu vật lộn với khủng hoảng sau khi ‘ngấm đòn’ khí đốt của Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 19:40, 07/09/2022

Châu Âu đang phải vật lộn để kiềm chế một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến mất điện, các nhà máy đóng cửa và suy thoái kinh tế sâu sắc.

Theo AP, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ mà châu Âu phụ thuộc trong nhiều năm để vận hành các nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà. Điều đó đã đẩy các chính phủ châu Âu vào một cuộc tranh giành tuyệt vọng về nguồn cung cấp mới và tìm cách giảm thiểu tác động khi chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình tăng cao.

Cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn khi Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom hôm 2.9 cho biết đường ống Nord Stream sẽ đóng cửa vô thời hạn. Đường ống này bị đóng từ ngày 31.8 để bảo dưỡng, dự định trong 3 ngày, nhưng Gazprom phát hiện sự cố "rò rỉ dầu" trong một tua bin nên vẫn đóng để sửa chữa.

Tập đoàn Gazprom cho biết nguồn cung bị cắt giảm là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây cản trở năng lực vận hành hệ thống đường ống dẫn và các vấn đề kỹ thuật. Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đổ lỗi cho Liên minh châu Âu (EU) gây ra các vấn đề khiến việc nối lại nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream không thực hiện được.

Một số nước EU hiện đang lo ngại nguy cơ Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho khối này. Giới chức EU cũng cáo buộc phía Nga quyết định tạm dừng cung cấp khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.

1000-1-2.jpeg
Khói bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Nerckarwestheim của Đức - Ảnh: AP

Trước đó, đường ống dẫn dưới Biển Baltic đã hoạt động với 40% công suất kể từ tháng 6, cung cấp 67 triệu mét khối mỗi ngày. Việc giảm nguồn cung ban đầu là do tua bin của Nord Stream sau khi đưa đi bảo trì theo lịch trình ở Canada đã không được trả lại đúng hạn do các lệnh trừng phạt của Ottawa đối với Moscow.

Việc cắt giảm đã dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt và đạt mức kỷ lục trong vài tuần qua. Do nguồn cung của Nga chậm lại kể từ mùa hè năm ngoái, các chuyên gia cho rằng châu Âu cần sẵn sàng cho việc không có khí đốt của Nga trong mùa đông này.

Tại sao khí đốt của Nga lại quan trọng như vậy?

Nga đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu khi là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới sau Mỹ và có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nga cũng là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Năm 2021, quốc gia này sản xuất 762 tỷ mét khối khí tự nhiên và xuất khẩu khoảng 210 tỷ mét khối.

Nga sở hữu mạng lưới đường ống xuất khẩu khí đốt rộng khắp, với các tuyến đường trung chuyển qua Belarus và Ukraine, cũng như đường ống dẫn khí đốt trực tiếp vào châu Âu (bao gồm Nord Stream, Blue Stream và TurkStream).

Giá năng lượng cao đang đe dọa gây ra suy thoái kinh tế trong mùa đông này thông qua tình trạng lạm phát kỷ lục, với việc người tiêu dùng phải chi tiêu ít hơn khi chi phí thực phẩm, nhiên liệu và điện nước tăng lên. Việc Nga cắt giảm khí đốt hoàn toàn có thể giáng một đòn nặng nề hơn vào các nước EU vốn đã gặp khó khăn do sự tàn phá của đại dịch COVID-19.

Bên cạnh việc sưởi ấm nhà cửa và tạo ra điện, khí đốt còn được sử dụng trong một loạt quy trình công nghiệp như rèn thép để chế tạo ô tô, làm chai thủy tinh, thanh trùng sữa và pho mát.

Các doanh nghiệp tại châu Âu đã đưa ra cảnh báo rằng họ không thể chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế khác như dầu đốt hoặc điện. Với việc mọi người đều tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế, dầu nhiên liệu và than đá cũng tăng giá.

Bên cạnh đó, giá điện cũng tăng chóng mặt vì khí đốt là nhiên liệu chính để sản xuất điện. Hạn hán đã làm suy yếu năng lượng thủy điện từ các con sông và hồ chứa. 56 nhà máy điện hạt nhân của Pháp hiện đang hoạt động ở mức nửa công suất do các vấn đề ăn mòn của các đường ống chính. Thời tiết nắng nóng cũng đã hạn chế việc sử dụng nước sông để làm mát các nhà máy điện của Đức cũng như làm giảm nguồn cung cấp than cho các máy phát điện.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy có trụ sở ở Na Uy cho rằng châu Âu có thể đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng ngay trong tháng này. Mùa đông năm nay, trường hợp xấu nhất là thời tiết lạnh giá, lượng gió ít và lượng khí đốt bị cắt giảm 15% “sẽ là thách thức rất lớn đối với hệ thống điện châu Âu và có thể dẫn đến việc mất điện trên diện rộng”.

“Bất kể kịch bản chính xác là gì, mùa đông sắp tới chắc chắn sẽ là một thách thức lớn nhất mà châu Âu từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ. Người tiêu dùng hoặc các chính phủ dự kiến ​​sẽ phải trả giá. Nếu không đáp ứng được đầy đủ hoặc cắt giảm nhu cầu khí đốt, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023”, chuyên gia Carlos Torres-Diaz - Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Điện và Khí đốt của Rystad Energy cho biết.

Châu Âu cần làm gì để thoát khủng hoảng?

Nhu cầu mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ ngày càng tăng khi các nước châu Âu cố gắng cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, đồng thời tìm cách củng cố lượng tồn kho thấp. Tuy nhiên, LNG đắt hơn nhiều so với khí đốt tự nhiên của Nga.

EU đã thông qua kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3.2023, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, các biện pháp bảo tồn đó là tự nguyện ở các nước thành viên cho đến nay. Mặc dù, kế hoạch này ưu tiên sự tự nguyện từ các nước, song không loại trừ khả năng EU sẽ buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện nếu Brussels nhận thấy nguy cơ thiếu khí đốt.

Chính phủ các nước châu Âu cũng đã thông qua một loạt các biện pháp hỗ trợ cho các hộ gia đình khó khăn và giảm thuế. Ví dụ, Đức đã thông qua gói hỗ trợ thứ ba với 65 tỷ euro (64,3 tỷ USD) viện trợ cho người tiêu dùng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, cho biết một đề xuất mới sẽ bao gồm giới hạn giá khí đốt tự nhiên và các biện pháp có thể giảm giá điện từ khí đốt.

Hoàng Vũ