Bổ sung 'chế tài' đối với việc chậm gửi tài liệu, làm ảnh hưởng chất lượng thẩm tra

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:00, 08/09/2022

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu đến cơ quan của Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 8.9, các đại biểu nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị quyết nhằm nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp; tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; tạo thuận lợi cho đại biểu quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tại kỳ họp…

Theo ông Bùi Văn Cường, dự thảo nghị quyết đã bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường tại Điều 1. Theo đó, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013, trừ các nội dung định kỳ theo quy định của pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Đồng thời, quy định cụ thể hơn tại Điều 3 của dự thảo về trách nhiệm của đại biểu quốc hội khi tham dự kỳ họp như nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến, tham gia thảo luận hoặc góp ý kiến bằng văn bản nhằm tăng cường trách nhiệm của đại biểu quốc hội trong việc xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp.

cuong.jpg
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Ngoài ra, sửa quy định về trách nhiệm của đại biểu quốc hội khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm tăng cường kỷ cương, khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua; bổ sung tại Điều 5 của dự thảo quy định về thẩm quyền xem xét việc khách mời danh dự trong nước, khách mời danh dự quốc tế phát biểu tại phiên họp toàn thể.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về hình thức làm việc trực tuyến tại Điều 14. Quốc hội có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến. Do đây là hình thức họp mới được triển khai trong hơn 3 năm qua, nên đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc họp trực tuyến hoặc việc kết hợp họp trực tiếp với họp trực tuyến tại kỳ họp để bảo đảm việc tổ chức linh hoạt, hiệu quả, qua tổng kết thực tiễn sẽ kiến nghị quy định cụ thể.

Đồng thời bổ sung Điều 15 của dự thảo quy định tiêu chí, điều kiện để chủ tọa, người điều hành phiên họp tiến hành phiên họp, bảo đảm phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, tăng tính tranh luận, phản biện, đồng thời vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội.

Cụ thể, chủ tọa có trách nhiệm hướng đại biểu phát biểu, chất vấn, tranh luận tập trung vào nội dung trọng tâm của phiên họp; chủ động mời đại biểu quốc hội phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký; có quyền yêu cầu đại biểu quốc hội dừng phát biểu hoặc tranh luận hoặc chất vấn nếu phát biểu, tranh luận, chất vấn không đúng trọng tâm, vượt quá thời gian.

Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm của đại biểu quốc hội khi phát biểu, tranh luận, thảo luận nhằm bảo đảm trật tự, sự nghiêm túc, trang nghiêm của phiên họp…

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đã giảm thời gian đại biểu quốc hội nêu câu hỏi (tại Điều 19 của dự thảo) theo hướng đại biểu quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút/lần; đại biểu cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể thì nêu chất vấn không quá 2 phút; người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội không quá 3 phút/câu.

Đại biểu quốc hội được quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quốc hội đã hỏi. Thời gian tranh luận không quá 2 phút để phù hợp với những cải tiến đã thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Dự thảo nội quy cũng lược bớt thủ tục trong trình tự phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh theo hướng không quy định thủ tục thảo luận tại Đoàn trong trình tự phê chuẩn việc miễn nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp đã bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu.

Theo đó “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu quốc hội”.

tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc cơ quan trình chậm gửi hồ sơ, tài liệu còn làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra đối với dự án, dự thảo do các cơ quan của Quốc hội không có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn ý kiến chuyên gia, chuẩn bị ý kiến thẩm tra.

Vì vậy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 3 Điều 64) đã quy định “Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn”.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung này để bảo đảm sự đồng bộ trong quy định của luật và nội quy kỳ họp; đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định giao Văn phòng Quốc hội theo dõi, tổng hợp danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tài liệu chậm, lý do gửi chậm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Lam Thanh