Bạo lực gia đình ở mức nhẹ có thể bị phạt 'làm việc phục vụ cộng đồng'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:58, 08/09/2022

Các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng. Biện pháp này có tính giáo dục, không trái điều ước quốc tế.

Sáng 8.9, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo "Một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)".

Lấy người bị bạo lực làm trung tâm

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế. Tuy nhiên, các hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình đan xen nhiều hình thức khác nhau.

Do vậy, nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lặp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi. Quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình cũng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, giáo dục, thực thi pháp luật.

Có ý kiến đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng; có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, xuất phát từ nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm” thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật. Điều này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình.

Mặt khác, mọi hành vi đều được xem xét trong những trường hợp cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể gắn với trách nhiệm của các đương sự trong mối quan hệ cụ thể. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật chỉnh lý có giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

anh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo

Dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bổ sung một khoản quy định Chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình (trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối); quy định tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc khi thấy cần thiết bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị bạo lực gia đình để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm rõ, với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, cho thấy, “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Do vậy, dự thảo luật bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”.

Nhiều điểm mới trong dự thảo luật

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu, dự thảo luật trình lần này có nhiều điểm mới.

Cụ thể, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, “trong phòng có chống trong chống có phòng”; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo; tư vấn trong phòng chống bạo lực gia đình; hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình; xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình; sử dụng âm thanh, hình ảnh về vụ việc bạo lực gia đình.

ta.jpg
Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Một điểm mới khác là sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của luật hiện hành.

Theo đó, bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; bổ sung thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và tòa án; bổ sung các quy định về giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc, biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; bảo vệ thông tin cá nhân của người báo tin, tố giác; bồi thường thiệt hại.

Thêm vào đó, khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng chống bạo lực gia đình.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng chống bạo lực gia đình: bổ sung trách nhiệm báo cáo định kỳ của Chính phủ, bổ sung trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các cấp và công an cấp xã trong tổ chức, thực hiện một số biện pháp phòng chống bạo lực gia đình.

Hoài Lam