Điện toán đám mây đang tạo ra các mối đe dọa mới về an toàn, an ninh mạng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:59, 08/09/2022
Ngày 8.9 tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), IEC Group và Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) phối hợp tổ chức hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo CNTT và An toàn thông tin năm 2022.
Hội nghị có chủ đề “Tối ưu nguồn lực - Tăng cường hiệu quả đầu tư an toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phúc (Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT) cho biết chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, doanh nghiệp số đang diễn ra mạnh mẽ, là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Trong thời kỳ chuyển đổi số, toàn bộ hoạt động của con người được chuyển lên môi trường mạng, tạo ra thách thức vô cùng lớn cho những người chịu trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng chỉ ra rằng chỉ cần một sự cố an toàn, an ninh mạng nghiêm trọng có thể làm ngưng trệ chương trình chuyển đổi số của cả một ngành, một địa phương, một doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, thống kê trên thế giới có 900 cuộc tấn công mạng, 5 mã độc mới sinh ra trong mỗi giây, phát hiện 40 điểm yếu lỗ hổng mỗi ngày. Thiết bị di động hiện là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi, trên diện rộng. An toàn thông tin chuỗi cung ứng; tấn công có chủ đích, mã độc tống tiến và nguy cơ tin tặc xâm nhập hệ thống của các doanh nghiệp sẽ gia tăng…
Ngoài ra, vị Cục trưởng cũng cho biết điện toán đám mây đang tạo ra các mối đe dọa mới về an toàn, an ninh mạng. Một nghiên cứu công bố gần đây cho thấy gần 80% công ty tham gia khảo sát đã gặp vấn nạn rò rỉ dữ liệu, tấn công mạng trên đám mây, trong đó 43% doanh nghiệp báo cáo đã có hơn 10 lần dữ liệu bị xâm phạm.
Cùng với đó, số vụ tấn công DDoS được dự đoán tăng gấp đôi, từ con số 7,9 triệu vụ được phát hiện vào năm 2018 tới hơn 15 triệu vụ trong năm 2023. Trung bình, mỗi giờ ngừng truy cập Internet, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng từ 300.000 USD tới 1 triệu USD. Vì thế, chỉ cần một cuộc tấn công DDoS ngắn cũng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nền tảng giám sát và điều hành an toàn thông tin thế hệ mới
Trong khuôn khổ Hội nghị, nền tảng giám sát và điều hành an toàn thông tin thế hệ mới - SOC Platform của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) đã được ra mắt.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Hà (Phó tổng giám đốc Viettel Cyber Security), thị trường dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) ở Việt Nam có giá trị ước tính khoảng trên 200 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tiên phong chuyển dịch dữ liệu của mình lên Cloud. Số liệu từ Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT) thể hiện đến năm 2025 dự kiến 100% các đơn vị của Chính phủ sẽ chuyển dịch lên môi trường đám mây.
Ông Hà cũng cho rằng trong thời đại chuyển đổi số cũng như bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng và chuyển dịch hệ thống từ các hệ thống lưu trữ truyền thống lên Cloud là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng các hệ thống lưu trữ tại chỗ truyền thống, hay duy trì song song các hệ thống truyền thống cùng hệ thống Cloud.
Giải pháp SOC Platform có thể giúp các doanh nghiệp, tổ chức giám sát an toàn thông tin cho hệ thống của mình, dù là hệ thống lưu trữ truyền thống hay trên hệ thống Cloud đặt ở các đơn vị cung cấp dịch vụ Cloud trong và ngoài nước.