Công nghệ làm đẹp “tái sinh đa tầng” hay trò lừa bịp của Thẩm mỹ Venus By Asian?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:02, 09/09/2022
Quảng cáo một đằng, làm một nẻo và lén tiêm chất cấm
Vài năm nay, công nghệ làm đẹp "tái sinh đa tầng" với cam kết không xâm lấn được quảng cáo rầm rộ, đặc biệt tập trung ở các cơ sở thẩm mỹ gắn thương hiệu Venus By Asian. Tuy nhiên, tin vào quảng cáo, nhiều khách hàng đã phải trả giá đắt.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chị Hoàng Thị Thanh (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết gần 3 năm nay vẫn đang đấu tranh để đòi lại quyền lợi cho mình.
Chị Thanh cho hay, qua quảng cáo trên mạng xã hội, chị được biết Thẩm mỹ viện Venus By Asian (61 Ngô Thì Nhậm, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có dịch vụ làm đẹp “tái sinh đa tầng”; sử dụng colagen dạng thẩm thấu qua da và họ cam kết không xâm lấn, không tiêm.
“Tuy nhiên, trái ngược với lời quảng cáo, chúng tôi đã bị một số nhân viên của Thẩm mỹ viện Venus tiêm silicon dạng lỏng vào dưới da mặt (thái dương, má, vùng mắt, cằm). Khi đó tôi đã phản kháng nhưng bị nhân viên thẩm mỹ giữ chặt cho đến khi chất lỏng được tiêm hết vào vùng dưới da mặt”, chị Thanh nói.
Sau đó, chị Thanh gặp biến chứng vùng mặt, phải vào bệnh viện điều trị. Chị chia sẻ, trong quá trình làm các xét nghiệm tại Bệnh viên đa khoa Xanh Pôn, được biết chất được tiêm vào là “silicon ở dạng lỏng”, theo thời gian sẽ vón cục và làm biến dạng khuôn mặt.
“Đây là hành vi hủy hoại thân thể rất tàn ác”, chị Thanh nói.
Không riêng chị Thanh, một khách hàng khác cũng tin vào quảng cáo 9 bước làm đẹp ở Venus, nhưng khi trải qua bước làm sạch da cơ bản, người của Venus By Asean đã tiêm liền 4 mũi vào hai bên mặt. Sau khi về nhà, đi khám bác sĩ thì được biết đã bị tiêm chất làm đầy. Nếu là chất làm đầy rẻ tiền thì có nguy cơ gương mặt xuất hiện các u cục do bị vón lại và sẽ phải đi nạo.
Cũng từng có khách hàng muốn làm đầy vùng má, ngực, xóa nếp nhăn trán. Sau đó, nhân viên tư vấn hứa sẽ có bác sĩ, chuyên gia trực tiếp thực hiện với máy móc, công nghệ hiện đại, không dao kéo, không có tiêm bơm hay bất kỳ loại chất nào vào cơ thể... Tuy nhiên, đơn vị này vẫn thực hiện các dịch vụ xâm lấn. Một thời gian sau khi nhận thấy cơ thể có nhiều biểu hiện bất thường, khách hàng này đi khám ở bệnh viện thì được biết tuyến vú đã bị viêm nhiễm do bơm dịch vào.
Nói với phóng viên Một Thế Giới về câu chuyện này, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cho biết việc tiêm filler lén lút vào khách hàng là có thật. Họ nói khách hàng đang nằm 1 máy trẻ hóa cơ bản, sau đó họ lén lút bảo “em chích chút tê chị làm cho thoải mái và đỡ nóng nhé” thế là khách hàng đang nhắm mắt và rất dễ gật đầu đồng ý. Sau khi được tiêm tê rồi thi việc tiêm filler trở nên dễ dàng vì lúc đó khuôn mặt đã tê, thông thường sẽ họ tiêm vào vùng má hóp, thái dương hóp, hay rãnh mũi má sâu.
Theo ông Tuấn, việc tiêm filler chính hãng rõ nguồn gốc xuất xứ, chính tay bác sĩ thực hiện thì yên tâm, nhưng ở đây người tiêm là những tay ngang không học y ngày nào; hơn nữa sản phẩm đó liệu có đúng là filler không hay là tiêm silicon hay 1 loại filler chất lượng kém vào mặt.
“Chúng ta đã nghe về rất nhiều tai biến biến chứng của silicon, của filler kém chất lượng rồi, gây vón cục, gây viên nhiễm, gây u hạt, nặng hơn nếu tiêm sai kỹ thuật tiêm vào mạch máu sẽ gây hoại tử”, ông Tuấn nói.
Bác sĩ Tuấn cho biết ông đã phải tiếp nhận điều trị rất nhiều trường hợp do “spa tặc” thực hiện và gây ra biến chứng nặng nề nên rất cần xã hội gõ lên những hồi chuông cảnh tỉnh chị em đi làm đẹp, và nhà nước nên có chế tài nâng mức phạt lên thật cao cho những cơ sở làm trái pháp luật.
Công nghệ “tái sinh đa tầng” không có trong chuyên ngành thẩm mỹ
Về công nghệ “tái sinh đa tầng”, bác sĩ Hoàng Tuấn nói đây là một khái niệm được sinh ra từ quảng cáo, marketing, đưa ra những lời lẽ thu hút để khách hàng dễ dàng “cắn câu” những cơ sở làm đẹp không uy tín trong thời gian vừa qua.
“Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành, tôi thấy phải phối hợp rất nhiều phương pháp mới có thể giúp cho làn da, các lớp mỡ, các cân cơ trở nên săn chắc và đẹp hơn được. Nếu nói chỉ dùng một loại máy để làm trẻ hóa toàn bộ được các lớp trên khuôn mặt thì cần phải xem lại. Nhiều khi phải kết hợp giữa máy móc nâng cơ, trẻ hóa với các phương pháp tiêm filler botox đôi khi kết hợp thêm phẫu thuật mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất cho khách hàng được”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho hay, thường thì khuôn mặt được chia ra các lớp: lớp da, lớp mỡ nông, lớp cơ, lớp mỡ sâu, lớp sát xương. Riêng da thì được chia ra làm 3 lớp: thượng bì, trung bì, hạ bì.
Đối với những công nghệ hàng đầu về trẻ hóa như Thermage sử dụng sóng RF sẽ giúp trẻ hóa sâu tới lớp hạ bì; công nghệ Ultherapy trẻ hóa sâu qua lớp hạ bì 1 chút để vào cân cơ SMAS làm trẻ hóa cho toàn bộ lớp da.
Đối với việc làm đầy má hóp hay thái dương hóp thì bác sĩ sẽ sử dụng filler để đi vào lớp mỡ nông hoặc lớp mỡ sâu tùy chỉ định để làm đầy những vùng này. Bản chất của việc hóp má hay hóp thái dương liên quan tới việc lão hóa các lớp mỡ, gây nên việc tiêu giảm những túi mỡ này và làm giảm thể tích má và thái dương.
Đôi khi có nhiều trường hợp da chảy xệ nhiều thì bác sĩ sẽ kết hợp thêm việc phẫu thuật căng da mặt để có thể giảm tải đi sự chảy sệ trên khuôn mặt khách hàng.
“Để xử lý được “đa lớp” thì rất khó khăn và cần tay nghề chuyên môn cao, chứ không phải thần thánh như các cơ sở spa đang quảng cáo được”, ông Tuấn khẳng định.
Một bác sĩ thẩm mỹ khác cũng cho biết “công nghệ tái sinh đa tầng” không có trong chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ, mà chỉ là chiêu trò quảng cáo. Các thẩm mỹ viện này không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật hay bơm tiêm, họ bỏ nhiều tiền chạy quảng cáo, lừa đảo khách hàng và đem về doanh thu rất khủng khiếp.
“Không chỉ tái sinh đa tầng mà những lời quảng cáo như điều trị chân vòng kiềng; điều trị trẻ hóa da đa tầng nửa mặt phẳng, nửa mặt nhăn nhúm; điều trị giảm mỡ không phẫu thuật… cũng đều là chiêu trò mà thôi”, vị bác sĩ này nói.
Các bác sĩ cho rằng việc tiến hành thẩm mỹ ở cơ sở không đạt chuẩn, không có bác sĩ thực hiện có thể để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và tinh thần cho người bệnh. Để tránh việc “tiền mất tật mang” không đáng có, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cho rằng cần tìm tới những phòng khám, những bệnh viện thẩm mỹ uy tín; tìm tới những bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm. Ngoài ra, đối với máy móc hay sản phẩm tiêm, khách hàng cần tìm hiểu để biết sản phẩm nào chính hãng và là sản phẩm tốt.
Hiểm họa khôn lường từ silicon lỏng
Từ năm 1965, người ta đã bắt đầu đã nhận ra những biến chứng nguy hiểm của việc bơm silicon lỏng vào cơ thể người, đặc trưng là sự xuất hiện của các u hạt.
Năm 1991 Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế nước ta đã ban hành cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Khi dùng silicon lỏng tiêm vào cơ thể dễ gây ra biến chứng tắc mạch. Khi bị tắc mạch, máu sẽ không thể đủ để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, môi, mũi... dễ gây ra hoại tử những bộ phận đó. Nguy hại nhất là có thể gây tử vong cho người sử dụng.