Nguyên nhân Mỹ nới lỏng các biện pháp kiềm chế Huawei và công ty Trung Quốc trong danh sách đen

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:42, 09/09/2022

Chính phủ Mỹ đang nới lỏng các hạn chế chia sẻ công nghệ với các công ty trong danh sách đen, tìm cách duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế khi Trung Quốc thu hẹp khoảng cách.

Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã ban hành một quy tắc cho phép phát hành công nghệ và phần mềm nhất định khi các tổ chức cân nhắc và quyết định về các tiêu chuẩn. Điều đó sẽ giải quyết các câu hỏi về việc liệu các công ty Mỹ có cần bảo đảm giấy phép trước khi chia sẻ công nghệ “cấp thấp” trong quá trình như vậy với các bên bị trừng phạt không, bao gồm cả Huawei.

Chính quyền Trump vào năm 2019 đã thêm Huawei vào danh sách đen nhằm ngăn chặn quyền truy cập của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào các nhà cung cấp quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách này khiến các công ty Mỹ hạn chế tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn vào thời điểm các hãng Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để tăng sức ảnh hưởng của mình.

Mỹ vẫn lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc và các công ty lớn nhất của họ đang đóng vai trò lớn hơn trong các nhóm kỹ thuật xác định cách thức công nghệ được thiết kế và áp dụng trên toàn cầu. Về mặt lý thuyết, điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho các tập đoàn mà Mỹ xem là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Các bên liên quan của Mỹ cần phải tham gia đầy đủ vào các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn quan trọng nhưng đôi khi vô hình có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như các tác động thương mại”, Alan Estevez, Thứ trưởng Bộ Thương mại về công nghiệp và an ninh Mỹ, cho biết.

Ông nói thêm quy tắc mới sẽ giúp nâng cao “vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các cơ quan quan trọng này”.

Huawei đã liên tục phủ nhận việc họ gây ra mối đe dọa với Mỹ.

ba-manh-van-chu-huawei-doi-mat-voi-thach-thuc-chua-tung-co.jpg
Bà Mạnh Vãn Chu nói chuyện với các học sinh tại trường trung học Duyun No 1 ở tỉnh Quý Châu - Ảnh: SCMP

Hôm 2.9, bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei, đã có bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng ở tỉnh Quý Châu, miền tây nam Trung Quốc. Tại đây, "công chúa Huawei" nêu những khó khăn mà công ty phải đối mặt cũng như tài năng và sự chăm chỉ liên tục có thể giải quyết vấn đề như thế nào.

Bài phát biểu đầy động lực đó đã được gửi đến các học sinh tại trường trung học Duyun No 1, trường cũ của bà Mạnh Vãn Chu (50 tuổi) cũng như cha bà là Nhậm Chính Phi, người sáng lập và Giám đốc điều hành Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến).

Huawei đang bền bỉ và đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là một hành trình đầy những khúc quanh. Cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề nằm ở tài năng và chúng tôi sẽ luôn tuân thủ thái độ cởi mở với tài năng”, bà Mạnh Vãn Chu cho biết.

Bà Mạnh Vãn Chu, người cũng là Chủ tịch luân phiên và Phó chủ tịch Huawei, cũng nói rằng công ty đã tiếp tục cung cấp các ưu đãi cho nhân viên và xây dựng các quán cà phê cùng thư viện trong khuôn viên của mình, đồng thời giải quyết các vấn đề khác nhau, theo bài phát biểu được công bố bởi nhà trường.

Tương lai không được xây dựng từ sự tiết kiệm mà được tạo ra thông qua đầu tư liên tục và làm việc chăm chỉ”, bà Mạnh Vãn Chu nhấn mạnh.

Thông điệp nâng cao tinh thần từ bà Mạnh Vãn Chu tương phản rõ rệt với bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ của ông Nhậm Chính Phi, được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cách đây hai tuần. Thông điệp của ông Nhậm Chính Phi đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về một thế giới đang suy thoái kinh tế, đồng thời kêu gọi nhân viên Huawei tập trung vào sự tồn vong của công ty và từ bỏ những suy nghĩ viễn vông.

10 năm tới sẽ là một giai đoạn đau đớn trong lịch sử khi nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái… Huawei cần từ chối bất kỳ dự báo quá lạc quan nào và biến sự tồn tại trở thành tín ngưỡng quan trọng nhất của mình trong ba năm tới”, ông Nhậm Chính Phi viết.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhậm Chính Phi nhắc nhở các nhân viên Huawei rằng công ty đang vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh doanh. Eric Xu Zhijun, Chủ tịch luân phiên Huawei, cũng nhiều lần nói vào năm 2020 và 2021 rằng mục tiêu của công ty là tồn tại sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn cấm họ tiếp cận công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ, chẳng hạn như chip smartphone tiên tiến.

Tuy nhiên, những cảnh báo mới của ông Nhậm Chính Phi được đưa ra trong bối cảnh những thách thức mới, khi Bắc Kinh tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đại dịch bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong quý 2/2022, mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên 2020, khi vi rút SARS-CoV-2 gây ra phong tỏa các vùng rộng lớn của đất nước, khiến GDP giảm 6,8%.

Huawei đã cố gắng điều chỉnh việc sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông trong bối cảnh các hạn chế thương mại được thắt chặt bởi Mỹ vào năm 2020, bao gồm chặn quyền truy cập vào các chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, từ bất kỳ đâu.

Thuộc sở hữu tư nhân, Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trước đây là hãng cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại vào năm 2019.

Huawei đã chứng kiến ​​doanh thu của mình giảm hơn nữa trong nửa đầu năm 2022, giảm 5,9% so với một năm trước xuống còn 301,6 tỉ nhân dân tệ (44,7 tỉ USD). Tốc độ giảm đã thu hẹp từ mức giảm 13,9% của công ty trong quý 1/2022. Trong khi tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty là 5%, so với 9,8% cùng kỳ năm ngoái.

Tổng doanh thu năm 2021 của Huawei là 636,8 tỉ nhân dân tệ, giảm 29% so với một năm trước đó, là hiệu suất bán hàng năm tồi tệ nhất được ghi nhận.

Sơn Vân