Nhà ở xây bằng gỗ giúp giảm phát thải khí carbon
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:35, 09/09/2022
Nhà ở xây bằng gỗ còn giúp giữ được đủ đất trồng cây lương thực để nuôi dân số thế giới ngày càng tăng. Đây là kết quả một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK, Đức) đăng trên tạp chí Nature Communications.
Nhóm khoa học PIK đã dùng mô hình sử dụng đất nguồn mở MAgPIE để nghiên cứu 4 kịch bản sử dụng đất khác nhau: một kịch bản là xây nhà bằng các vật liệu thông thường như xi măng và thép, và 3 kịch bản xây nhà có tính đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng bằng gỗ. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu các hậu quả trực tiếp và gián tiếp của sự thải phát khí carbon liên quan việc sử dụng đất.
Báo cáo của PIK kết luận rằng nếu 90% dân số thế giới được sống trong các ngôi nhà xây bằng gỗ, thì có thể tránh được sự thải phát hơn 100 tỉ tấn khí nhà kính CO2 từ năm 2100, tương đương gần 3 năm phát thải khí carbon.
Theo vài ước tính, số cơ sở hạ tầng cần thiết để làm nơi ở cho 10 tỉ người kể từ giữa thế kỷ này có thể vượt quá số cơ sở hạ tầng đã xây kể từ khi khởi đầu thời đại công nghiệp. Nếu tất cả các dự án xây dựng mới đều sử dụng thép và bê tông, chúng sẽ phát lượng khí thải C02 khổng lồ.
Việc tránh được sự phát thải 100 tỉ tấn khí CO2 còn tương đương khoảng 10% ngân sách carbon vẫn còn lại cho mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mục tiêu của thỏa thuận là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời hướng đến mục tiêu giữa cho mức tăng không quá 1,5 độ C.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học PIK Abhijeet Mishra nói: “Hiện hơn một nửa dân số thế giới sống tại các thành phố và tỷ lệ này sẽ còn tăng đáng kể từ năm 2100. Điều đó có nghĩa sẽ có thêm nhiều nhà xây bằng thép và bê tông, hầu hết trong số đó có lượng phát thải khí CO2 nghiêm trọng. Nhưng chúng ta có một giải pháp thay thế là đưa số dân đô thị mới vào các tòa nhà bằng gỗ cao từ 4 đến 12 tầng”.
Ông giải thích: “Vì cây cần hấp thụ khí CO2 từ khí quyển để phát triển, gỗ được xem là một nguồn tái tạo có lượng carbon thấp nhất so với bất kỳ loại vật liệu xây dựng nào. Việc sản xuất gỗ chế biến thải khí CO2 không nhiều hơn việc sản xuất thép và xi măng. Gỗ chế biến cũng chứa carbon nên nó là một nơi chứa carbon lâu dài độc đáo”.
Báo cáo của PIK phát hiện sẽ cần 140 triệu ha - một khu vực lớn hơn Peru - để trồng cây mới nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ làm vật liệu xây dựng các thành phố bằng gỗ. Nhưng nhóm nghiên cứu tính rằng các đồn điền mới có thể lập trên những vùng rừng đã thu hoạch gỗ, nhằm không sử dụng đất nông nghiệp vào việc cung cấp lương thực.
Đồng tác giả nghiên cứu Florian Humpenoder nói: “Chúng ta cần đất nông nghiệp để trồng cây lương thực, còn nếu dùng đất này để trồng cây thì có nguy cơ gây ra sự tranh giành nguồn tài nguyên đất ít ỏi”.
Ông giải thích thêm: “Mô hình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể sản xuất đủ gỗ cho các tòa nhà đô thị trung tầng mới mà không gây ảnh hưởng lớn đến đất trồng cây lương thực”.
Tác động của sự thay đổi hệ sinh thái bằng cách lập đồn điền trồng cây lấy gỗ cũng được các nhà khoa học PIK nghiên cứu.
Đồng tác giả nghiên cứu, Alexander Popp nói: “Vấn đề quan trọng là chúng ta lấy đâu ra nguồn gỗ và bằng cách nào để xây dựng các thành phố gỗ. Trong các mô phỏng máy tính, chúng tôi đã đặt ra giới hạn rõ ràng cho việc khai thác gỗ và trồng thêm cây mới”.
Alexander Popp nhấn mạnh: “Không thể phá bỏ các vùng rừng nguyên sinh và các khu bảo tồn đa dạng sinh học. Việc bảo vệ các khu bảo tồn này là chìa khóa quan trọng. Việc lập các đồn điền lấy gỗ với giá phá bỏ các khu vực tự nhiên không được bảo vệ khác sẽ càng làm tăng sự tổn thất đa dạng sinh học trong tương lai”.
Nhóm nghiên cứu kết luận có thể lập thêm các đồn điền trồng cây lấy gỗ. Việc này đòi hỏi chính quyền có kế hoạch điều hành chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đến sự đa dạng sinh học, và nếu không quản lý cẩn thận thì sự đa dạng sinh học sẽ bị tổn hại.
Trưởng nhóm Abhijeet Mishra kết luận: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng nhà ở đô thị xây bằng gỗ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, do tiềm năng lưu trữ carbon lâu dài của chúng. Cần có sự quản lý mạnh mẽ và kế hoạch cẩn trọng để hạn chế các tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, và đảm bảo quá trình chuyển đổi bền vững sang các thành phố xây bằng gỗ”.