Ấn Độ thiếu vũ khí để đối phó Trung Quốc và Pakistan
Quốc tế - Ngày đăng : 12:51, 10/09/2022
8 năm qua đi, quốc gia nhập khẩu khí tài quân sự lớn nhất thế giới vẫn chưa thể sản xuất đủ vũ khí đáp ứng nhu cầu nội địa. Loạt quy định chính phủ Ấn ban hành đang gây khó cho nhập khẩu.
Chính sách của Thủ tướng Modi yêu cầu khí tài quân sự phải đạt tỷ lệ 30 - 60% thành phần sản xuất trong nước. Trước đây, lúc chưa có yêu cầu này Ấn Độ sử dụng cơ chế chuyển một phần tiền sắm khí tài cho hoạt động sản xuất trong nước.
Không quân suy yếu
Tình hình kéo dài khiến năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ấn yếu đi, mặc dù mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan tại biên giới vẫn còn đó. Không quân suy yếu đồng nghĩa với việc New Delhi cần gấp đôi số lượng binh sĩ trên đất liền để ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hành vi khiêu khích dọc biên giới, theo một nguồn tin.
Trong khi Ấn Độ tăng cường mua mặt hàng quốc phòng nội địa, cường quốc Nam Á vẫn chưa tự sản xuất được nền tảng khí tài phức tạp như tàu ngầm dùng động cơ điện - diesel hay máy bay chiến đấu hai động cơ.
Kế hoạch mua máy bay chiến đấu nước ngoài bị gác lại vì chính quyền Thủ tướng Modi muốn không quân chọn hàng nội địa, nhưng máy bay chiến đấu một động cơ sản xuất trong nước đang thiếu hụt, máy bay chiến đấu hai động cơ lại chưa được sản xuất.
Đến năm 2030, không quân Ấn có thể chỉ còn chưa tới 30 phi đội máy bay chiến đấu – thấp hơn mức 42 phi đội mà quân đội cần để bảo vệ biên giới. Từ đây đến lúc đó khoảng nửa tá phi đội (mỗi phi đội gồm 16 - 18 máy bay) sẽ kết thúc thời gian phục vụ.
Công ty quốc phòng Ấn Hindustan Aeronautics mỗi năm chỉ đủ sức sản xuất 8 máy bay chiến đấu Tejas. Họ dự tính tăng gấp đôi công suất vào năm 2026, tuy nhiên gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine có thể khiến kế hoạch chậm trễ.
Vấn đề với máy bay trực thăng
Quân đội Ấn hiện vẫn phụ thuộc vào máy bay trực thăng hạng nhẹ thiết kế và phát triển tại Pháp hơn nửa thế kỷ trước, được New Delhi mua vào những năm 1970. Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết gần 80% phi đội trực thăng nước này đã hoạt động hơn 30 năm.
Hầu hết phi đội trực thăng một động cơ sắp kết thúc thời gian phục vụ vào năm 2026. Vậy mà trực thăng hạng nhẹ tự sản xuất không thể sẵn sàng trước cuối năm 2030.
Kế hoạch sản xuất trực thăng Nga Kamov-226T chưa thành hiện thực vì bất đồng xoay quanh vấn đề chi phí và tỷ lệ nội địa hóa. Một nguồn tin tiết lộ vào năm ngoái, quân đội kêu gọi Bộ Quốc phòng nước này bỏ qua lệnh cấm nhập khẩu của chính quyền Thủ tướng Modi để mua về vài chục trực thăng.
Cả không quân lẫn lục quân Ấn cũng lên kế hoạch dự phòng và kéo dài thời gian phục vụ của máy bay hiện có.
Sử dụng máy bay cũ phải trả giá bằng mạng sống. Từ năm 2017 đến tháng 12.2021, Ấn Độ có 31 binh sĩ thiệt mạng và 19 binh sĩ bị thương trong nhiều vụ tai nạn liên quan đến trực thăng quân sự.
“Make in India” trong quốc phòng chưa hiệu quả
Hải quân Ấn cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề từ yêu cầu ưu tiên dùng hàng nội. Hạm đội tàu ngầm nước này dựa vào lượng ngư lôi hạng nặng rất hạn chế được mua cách đây 4 thập kỷ.
Tổ chức Nghiên cứu - Phát triển quốc phòng Ấn Độ đang lập kế hoạch tự sản xuất ngư lôi, nhưng họ không nói rõ đến lúc nào sản phẩm có thể sẵn sàng sử dụng.
Theo nhà phân tích quốc phòng Rahul Bedi ở New Delhi, tham vọng thay thế hàng nhập khẩu của Thủ tướng Modi đã không tính toán đến thực tế là hoạt động phát triển hệ thống vũ khí đẳng cấp thế giới đòi hỏi hàng tỉ USD tiền đầu tư, cũng như mất nhiều năm nghiên cứu. Hơn nữa, ngay cả khí tài Ấn Độ tự sản xuất như máy bay chiến đấu hạng nhẹ hay xe tăng cũng cần khoảng 50% linh kiện nhập khẩu.
“Chính sách “Make in India” trong quốc phòng không được suy nghĩ thấu đáo. Nó là một khẩu hiệu tốt nhưng chưa thể hiện được gì”, nhà phân tích Bedi đánh giá.