Vua Charles III sẽ phải sửa tính do nắm giữ vương quyền
Quốc tế - Ngày đăng : 13:15, 10/09/2022
Không ít người chế nhạo và chỉ trích vị thái tử này can thiệp vào các vấn đề xã hội chẳng liên quan đến ông. Tuy nhiên Charles luôn tin rằng bản thân nên bày tỏ suy nghĩ trước vấn đề mà ông cảm thấy quan trọng với người Anh.
Mặc dù vậy ông nhận thức được rằng thái tử và quốc vương là hai vai trò rất khác biệt. Trong một bộ phim tài liệu nhân dịp sinh nhật 70 tuổi của mình, ông Charles bác bỏ lo ngại khi đăng quang sẽ dựa vào quyền lực tuyên truyền quan điểm bản thân: “Ý nghĩ cho rằng tôi sẽ hành động như cũ thật ngu ngơ vì hai tình huống (hai vị trí quyền lực) hoàn toàn khác nhau”.
Trước câu hỏi liệu có tiếp tục hoạt động vận động công khai sau khi trở thành quốc vương hay không, ông trả lời: “Không. Tôi không ngu ngốc như vậy”.
Nhiều năm qua Charles trung lập giữa phong cách quân chủ truyền thống mà mẹ ông tuân theo với phong cách hiện đại dễ gần hơn của người con trai William. Vì vậy, trong vị vua mới tồn tại mâu thuẫn giữa theo đuổi các quan điểm tự do xã hội với bản chất bảo thủ.
Nhà báo Catharine Meyer trong cuốn sách viết năm 2015 tiết lộ các cận thần hoàng gia lo ngại Charles sẽ theo đuổi phong cách quân chủ cấp tiến, và đam mê của ông với vài vấn đề, đặc biệt là vấn đề môi trường, khiến Nữ hoàng Elizabeth II lẫn Điện Buckingham thấy bất an.
“Vài cận thần, thậm chí cả Nữ hoàng lo lắng Hoàng gia Anh cùng thần dân không chịu được cú sốc từ cái mới. Họ cảm thấy Charles đặt đam mê lên trên nhiệm vụ hoàng gia”, theo nhà báo Meyer.
Theo hiến pháp bất thành văn của Anh, gia đình hoàng gia không dính đến chính trị. Nữ hoàng Elizabeth II hiếm khi bày tỏ quan điểm cá nhân trong 70 năm trị vì.
Người đi trước thời đại?
Charles suốt 5 thập niên qua tích cực vận động cho những vấn đề ông quan tâm, nhận về cả lời khen ngợi lẫn sự phản đối.
Phe ủng hộ tân vương nói rằng ông đi trước thời đại, suy nghĩ thấu đáo và muốn tận dụng vị thế của mình thu hút chú ý cho những vấn đề quan trọng. Phe chỉ trích lập luận ông dùng quan điểm bản thân ép buộc người khác dù họ không có cùng quan điểm.
Bản thân ông Charles thừa nhận việc nêu ra ý tưởng không hợp thời, chẳng hạn như biến đổi khí hậu vào nhiều thập niên trước khi các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm đúng mức với vấn đề này khiến nhiều người lúc ấy chế giễu ông là “kẻ ngốc”.
Ông nói với đài BBC về vấn đề môi trường: “Tôi quan tâm đến sự cân bằng và hài hòa. Chỉ bởi vì tôi gợi ý có cách tốt hơn, cách cân bằng và toàn diện hơn để giải quyết vấn đề mà tôi bị buộc tội can thiệp”.
Một trong những thành tựu cá nhân lớn nhất của ông là lập ra tổ chức từ thiện Prince's Trust đào tạo kỹ năng cho thanh niên Anh để họ tìm được việc làm hoặc tự đứng ra kinh doanh. Được lập ra vào khoảng thời gian Anh chìm trong khủng hoảng thất nghiệp, Prince's Trust đã giúp đỡ được hơn 1 triệu người. Ông Charles nói rằng bỏ qua những vấn đề như vậy, đối với ông, là tội ác.
Ông còn lên tiếng về kiến trúc, thẳng thắn tỏ ý không thích nhiều tòa nhà và thiết kế hiện đại. Charles từng nhận xét phần mở rộng của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia ở London là “mụn nhọt quái dị trên mặt người bạn thanh lịch được nhiều người quý mến”.
Ông Charles hiện thực hóa ý tưởng bản thân bằng khu dân cư Poundbury trên địa bàn thị trấn Dorchester. Khu dân cư được khởi công xây dựng vào năm 1987, dự kiến hoàn thành năm 2025. Người không thích thì đánh giá Poundbury là khu dân cư kiểu cổ giả tưởng. Người ủng hộ và cư dân Poundbury thì khẳng định đây là dự án cấp tiến, thành công.
Ngoài Prince's Trust, ông Charles còn sáng lập thương hiệu Duchy Originals thúc đẩy sử dụng thực phẩm hữu cơ, bảo trợ cho Hiệp hội Đất trồng, cùng đội ngũ cố vấn viết sách Harmony: A New Way of Looking at Our World (tạm dịch: Hài hòa: Cách nhìn mới về thế giới chúng ta).
Ông ủng hộ sự bền vững và nhiều lần cảnh báo loạt vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra đang thúc đẩy chiến tranh, khủng bố, di cư hàng loạt.
Can thiệp chính trị
Không chỉ về quan điểm, cách Charles nêu vấn đề với chính phủ Anh cũng gây tranh cãi. Năm 2013 xuất hiện thông tin tiết lộ trong vòng 3 năm trước đó ông họp với các bộ trưởng đến 36 lần.
2 năm sau, một tòa án tối cao cho phép công khai hơn 40 lá thư mà Charles cùng đội ngũ cố vấn trao đổi với các bộ trưởng. Chủ đề trao đổi trải rộng từ giá nhà ở nông thôn, chất lượng thực phẩm trong bệnh viện, bảo tồn công trình lịch sử cho đến nguồn lực cho quân Anh đóng tại Iraq, số phận cá răng Patagonian...
Năm 2014, ông Charles tạo ra sóng gió ngoại giao khi ví Tổng thống Nga Vladimir Putin với Adolf Hitler sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea.
Gần đây nhất là vào tháng 6 năm nay ông hứng chịu phản ứng dữ dội do chỉ trích chính sách đưa người tị nạn đến Anh sang Rwanda định cư của chính phủ.
Cây bút Tom Bower chuyên viết sách về Hoàng gia Anh nhận xét: “Ông ấy có quan điểm về thế giới và muốn áp đặt quan điểm này. Ông làm vậy theo mọi cách không phù hợp nên bị xem như kẻ nổi loạn. Nếu Charles là vị vua nổi loạn thì chế độ quân chủ sẽ lâm nguy”.
Trong vai trò mới, Vua Charles III hằng tuần sẽ gặp Thủ tướng Anh bàn luận các vấn đề của chính phủ. Các phụ tá hoàng gia đang chờ xem tân vương liệu có can thiệp sâu hơn vào chính trị hay không.
William Nye - cựu thư ký riêng của Charles, cho rằng tân vương sẽ noi gương mẹ và ông (Vua George VI) đồng thời dựa vào kinh nghiệm bản thân để trị vì.
Tuy nhiên, tân vương từng tỏ ý có một số vấn đề ông sẽ không giữ im lặng. “Bạn bị buộc tội gây tranh cãi chỉ vì đang cố gắng thu hút sự chú ý vào thứ không cần phải nghĩ theo quan điểm truyền thống. Nhưng có quá nhiều việc cần phải đấu tranh”, ông Charles trả lời phỏng vấn nhân dịp sinh nhật 70 tuổi.