Đài Loan dùng 'quyền lực mềm' kết nối với thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 14:50, 11/09/2022
Khi chuyển đến Sydney sống và làm việc 10 năm trước, anh Benson Wu nhận thấy tại Úc chiếu rất ít phim Đài Loan. “Tôi thấy các liên hoan phim tại Úc, đặc biệt là Sydney, đang thiếu đại diện châu Á, nhất là phim Đài Loan”, anh chia sẻ.
Đảo tự trị là nơi không ít đạo diễn đoạt giải thưởng quốc tế tìm thấy niềm đam mê và phát triển sự nghiệp, chẳng hạn như Lý An, Thái Minh Lượng, Hầu Hiếu Hiền. Liên hoan phim Kim Mã do Đài Loan tổ chức từ năm 1962 đến nay được ví như liên hoan phim Oscar của điện ảnh Hoa ngữ, thu hút nhiều diễn viên cùng nhà làm phim Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Singapore.
Năm 2017, Wu với đam mê dành cho phim Đài Loan và sự đa dạng văn hóa của Úc, đã quyết định tổ chức sự kiện điện ảnh Đài Loan thường niên tại Sydney. Ngay cả trong lúc thành phố này bị phong tỏa do dịch COVID-19 trong hai năm 2020, 2021, anh vẫn kiên trì tổ chức chiếu phim Đài Loan trực tuyến cho người dân bị mắc kẹt tại nhà.
5 năm sau, Liên hoan phim Đài Loan tại Úc do Wu tổ chức trở thành sự kiện điện ảnh mang tính biểu tượng tôn vinh chủ nghĩa đa văn hóa ở nước sở tại, thu hút hơn 3.000 người tham dự. Anh là một trong số nhiều người Đài Loan trẻ tuổi cố gắng kết nối quê hương mình với thế giới.
Những áp lực từ Trung Quốc
Trung Quốc luôn kêu gọi các nước tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”. Cả Mỹ và Úc đều cam kết tuân thủ nhưng chính sách đối với Đài Loan của hai nước lại khá mơ hồ.
Có một điều kiện tiên quyết là nước nào muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trước tiên phải cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Quốc gia gần nhất làm vậy là Quần đảo Solomon. Năm 2019, đảo quốc Thái Bình Dương này “bỏ Đài theo Trung” để nhận được quỹ phát triển trị giá hàng tỉ USD từ Bắc Kinh.
Không chỉ không thiết lập được quan hệ ngoại giao với các nước, Đài Loan còn bị từ chối cho gia nhập nhiều tổ chức quốc tế chẳng hạn như Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tháng trước, Đài Loan tuyên bố không đăng cai WorldPride (sự kiện lớn của giới LGBT toàn cầu) năm 2025 vì đơn vị tổ chức InterPride thông báo không thể dùng tên WorldPrideTaiwan dù hai bên đã đạt thỏa thuận trước đó. Đài Loan là nơi đầu tiên và duy nhất tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Cơ quan ngoại giao đảo tự trị chỉ trích quyết định InterPride đưa ra là cân nhắc chính trị.
Tìm thấy hy vọng mới từ văn hóa
Đối mặt sức ép quân sự lẫn kinh tế từ Trung Quốc, Đài Loan dựa vào “xuất khẩu” văn hóa để duy trì kết nối với thế giới.
Tháng 6.2019, đảo tự trị thành lập Cơ quan Nội dung sáng tạo Đài Loan (TAICCA) chuyên trách hỗ trợ quảng bá nội dung về Đài Loan trên toàn cầu. TAICCA giống như Cơ quan Xúc tiến thương mại, đầu tư Hàn Quốc - đơn vị đứng sau làn sóng văn hóa phẩm Hàn đổ bộ nhiều quốc gia.
TAICCA còn mở chương trình đào tạo cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, hoạt hình, trò chơi. Trong hai năm 2019, 2020 có hơn 1.800 người đăng ký tham gia.
Người đứng đầu TAICCA Izero Lee cho biết “Công việc chính của chúng tôi là tích cực giúp ngành công nghiệp sáng tạo nội dung nâng cao năng lực cạnh tranh, biến Đài Loan thành đối tác tốt nhất trên toàn cầu”.
Một dự án TAICAA tài trợ là Books From Taiwan - sáng kiến ra đời năm 2014 nhằm giới thiệu nhà văn Đài Loan đến các nhà xuất bản quốc tế. Đơn vị tổ chức mỗi năm sẽ chọn 50 - 60 quyển sách, tiến hành biên dịch rồi giới thiệu cho nhà xuất bản nước ngoài.
Trong số sách “xuất khẩu” thành công có The Stolen Bicycle (tạm dịch Chiếc xe đạp bị lấy cắp) của nhà văn Ngô Minh Ích. Tác phẩm lọt vào danh sách bình chọn Giải thưởng Văn học quốc tế Man Booker năm 2018.
Năm 2020, Đài Loan thu về 44,7 tỉ USD từ ngành công nghiệp sáng tạo nội dung, riêng doanh số ở nước ngoài tăng 9,83% so với năm 2019. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều game thủ nước ngoài tìm đến trò chơi điện tử Đài Loan giết thời gian trong lúc phong tỏa.
Ông Lee tin tưởng Đài Loan sẽ tạo ra thị trường ngách cho riêng mình trong thị trường văn hóa Đông Á đầy cạnh tranh đang bị thống trị bởi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Người đứng đầu TAICCA cho biết giống như phim Squid Game lấy cảm hứng từ khủng hoảng kinh tế tại Hàn Quốc, nội dung Đài Loan sáng tạo ra cũng đi sâu vào các vấn đề xã hội bản địa như quyền lợi dành cho LGBT hay lịch sử đảo tự trị. Môi trường cởi mở cho phép đảo tự trị nuôi dưỡng nội dung đa dạng, chất lượng cao, thu hút khán giả quốc tế.
Quyền lực mềm Đài Loan dễ được đón nhận
Trung Quốc - đối thủ chính của Đài Loan trên thị trường văn hóa - đối mặt với phản kháng mạnh mẽ từ phương Tây. Năm 2020, Mỹ yêu cầu Viện Khổng tử đăng ký là “phái bộ nước ngoài” phải tuân thủ loạt quy định về hành chính tương tự đại sứ quán và lãnh sự quán. Kết quả 40 Viện Khổng tử tại Mỹ phải đóng cửa.
Viện Khổng tử được thành lập trên khắp thế giới trong hơn một thập niên qua để quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, thông qua các lớp học và sách giáo khoa do viện cung cấp. Nhiều nước phương Tây thời gian gần đây cáo buộc Viện Khổng Tử giúp Trung Quốc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, can dự vào tự do ngôn luận tại các trường đại học, thậm chí hỗ trợ hoạt động gián điệp.
Đài Loan nắm bắt ngay cơ hội, năm 2021 thành lập 43 Trung tâm Dạy tiếng Quan thoại ở Mỹ, Anh và châu Âu.
Tuần trước thượng nghị Mỹ Marsha Blackburn sang thăm Đài Loan, cam kết thúc đẩy hợp tác song phương về dạy và học tiếng Quan thoại tại Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Hsu, so với Trung Quốc thì Đài Loan có nhiều cơ hội phát triển quyền lực mềm hơn. Tuy nhiên, bà Hsu lưu ý rằng đảo tự trị vẫn mới ở giai đoạn xây dựng mềm ban đầu, trong khi Trung Quốc có lợi thế nguồn lực tài chính hùng hậu đổ vào ngành công nghiệp sáng tạo nội dung.