4 yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng thương mại trong nước
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:46, 12/09/2022
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu luôn được bảo đảm, giá cả không có biến động lớn; một số mặt hàng nông sản thực phẩm giá có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao như trứng gia cầm, thịt gà..., riêng giá thịt lợn sau khi giảm vào đầu tháng thì lại có xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng; giá của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng tăng giảm theo giá thế giới; giá của các nhóm hàng khác tương đối ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 481,2 nghìn tỉ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tính chung 8 tháng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỉ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm trước giảm 3,4% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương). Nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng tốt (tăng 15,4%) chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 26,7%; may mặc tăng 14,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 14,1%; lương thực, thực phẩm tăng 12%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2022 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Khánh Hòa tăng 27,8%; TP.HCM tăng 18,2%, Bình Dương tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 12,8%; Quảng Ninh tăng 12,2%; Hà Nội tăng 10,7%; Cần Thơ tăng 8,8%; Đà Nẵng tăng 6,7%.
"Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây và tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch bệnh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm liên tiếp trong hai tháng gần đây (tháng 7,8) đã phần nào tác động tích cực đến giá cả hàng hóa nói chung, kích thích tăng tiêu dùng trở lại. Bên cạnh đó, việc làm và thu nhập gia tăng, thị trường du lịch mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu gia tăng đã góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ", đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Trước bối cảnh trên, đại diện Bộ Công Thương nhận định, những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng cuối năm gồm: Việc giảm giá xăng dầu sẽ kéo theo xu hướng giảm giá hàng hóa trong nước, kích thích tiêu dùng. Ngoài ra, thị trường trong nước hồi phục tốt, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới trong các dịp lễ, tết sắp đến là nhưng yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất và thương mại trong những tháng tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như trên, bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều tiềm ẩn đó là những yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại như: Đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu; Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng.
Theo đó, thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ làm việc và theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón... cho sản xuất và sinh hoạt.
Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng... chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.