Khó tin: "Lực lượng thi công hệ thống phòng cháy cũng chính là thủ phạm gây cháy nhà"
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:57, 12/09/2022
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết trong pháp luật hiện nay về phòng chống cháy nổ, sau thông tư, chưa có quy định về an toàn điện (điều 58). Khái niệm an toàn điện rộng hơn an toàn phòng chống cháy nổ vì còn liên quan đến cả an toàn điện giật.
Ngoài ra, còn khiếm khuyết trong quy định cụ thể về kiểm soát hành vi sử dụng điện, Thông tư còn đang thiếu, còn phải xử lý về pháp luật liên quan đến bất khả xâm phạm chỗ ở, quy định xâm phạm gia cư… Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi quy định như Bộ Công an đã nêu. Bộ đã có Thông tư 05 về an toàn điện, rộng hơn cả phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Ông An cũng cho hay hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập, đặc biệt là phần điện lực. Ngay cả thi công, thiết kế trong các công trình xây dựng công cộng cũng đã có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng vẫn có sự bất cập.
“Một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án PCCC, nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công? Kể cả những công trình công nghiệp làm rất kỹ, cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng?
Suy cho cùng là việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù PCCC là một trong những luật nghiêm ngặt nhất vì liên kết đến luật hình sự. Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng mà xử lý vẫn chưa nghiêm”, ông An nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu ví dụ thậm chí những đội chuyên nghiệp nhất lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công hệ thống PCCC tòa nhà EVN1 lại chính là thủ phạm gây cháy tòa nhà. Đó là chuyện về hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn. Như vậy ngay cả phần giám sát lúc thi công công trình cũng có lỗ hổng pháp luật ở chỗ này. Phần liên quan đến an toàn điện trong Luật Xây dựng, cần suy nghĩ làm thế nào để đưa vào cuộc sống.
Đối với loại hình kinh doanh dân doanh hiện nay, ông An cho biết đang cải cách hành chính nhưng câu chuyện liên quan đến PCCC thì cần xem xét. Thợ hàn hiện nay trong báo cáo của Bộ Công an là một nhóm sử dụng nguồn nhiệt không hợp lý.
“Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”, ông An nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Nơi ở của người dân phải tiếp cận với các giải pháp PCCC khi có tình huống xảy ra. Hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, các chung cư hiện nay người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia…
“Nhân đây, tôi cũng kiến nghị là sắp tới TP.HCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi PCCC, mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ”, ông Mãi nói và cho biết TP.HCM sẽ triển khai PCCC cho các công trình ngầm, các metro; mong sẽ có hướng dẫn và có khung pháp lý trong thời gian sắp tới.
TP.HCM kiến nghị với Thủ tướng và trung ương cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; khắc phục những điểm chồng chéo.
Vừa qua, TP.HCM có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn. Những gì cần thiết chúng ta phải thực hiện.
“Chúng ta cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động PCCC, cứu hộ cứu nạn cho vùng trọng điểm kinh tế phía nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực. Đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả PCCC trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác”, ông Mãi nêu.
Ngoài ra, TP.HCM cũng thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc PCCC, cứu hộ cứu nạn vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để có chính sách xứng đáng.
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho hay công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn nếu được triển khai tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phần ngăn ngừa được nguy cơ cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất.
“Một trong những nội dung quan trọng trong công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu sở ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và công tác cứu nạn, cứu hộ”, ông Sơn nói.
Ông Sơn đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách sửa đổi bổ sung về xã hội hóa huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC, cứu hộ cứu nạn; cải tiến và đầu tư trang thiết bị phương tiện hiện đại bảo đảm được trong tình hình hiện nay. Hiện nay, nhiều công trình, cơ sở có tính chất phức tạp nếu xảy ra sự cố thì các phương tiện sẽ không đáp ứng được.
Đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương lồng ghép kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu hộ cứu nạn vào các chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học. Chính phủ cần tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong đầu tư giao thông, nguồn nước, mạng lưới thông tin liên lạc cho công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn. Đồng thời, Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực, phân bổ nguồn lực kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị và phương tiện cho các lực lượng PCCC, cứu hộ cứu nạn tại địa phương để nâng cao năng lực hiệu quả trong công tác này.