Đài Loan tìm cách đối phó UAV Trung Quốc quấy nhiễu, gây sự
Quốc tế - Ngày đăng : 12:55, 12/09/2022
Hầu hết là UAV dân sự hoặc không rõ danh tính, nhưng rõ ràng nhắm đến cơ sở quân sự Đài Loan trên đảo. Ban đầu binh sĩ đảo tự trị phớt lờ chúng, sau đó bắn cảnh cáo, cuối cùng là bắn rơi.
UAV rõ ràng đã làm gia tăng căng thẳng hai bên. Nhà phân tích Yết Trọng thuộc Hội Nghiên cứu chính sách Đài Loan nhận xét: “Trung Quốc sử dụng hành vi quấy rối như vậy hòng gia tăng sức ép, cố tình khiến căng thẳng tăng cao. Đừng nghĩ UAV dân sự không liên quan gì đến mục đích quân sự”. Đảo tự trị đang đứng trước vấn đề cần phản ứng ra sao với UAV quấy rối trong tương lai để ngăn chặn Trung Quốc mà không châm ngòi cho xung đột.
Hành vi quấy rối mới
Tuần trước, ngoài máy bay chiến đấu thông thường, quân đội Trung Quốc còn triển khai 4 chiếc UAV xâm phạm không phận, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết. 4 UAV xâm phạm không phận lần lượt là máy bay tác chiến TB-001 (ngày 8.9) và 2 máy bay trinh sát trong hai ngày tiếp theo.
Với Trung Quốc, UAV quân sự có thể được dùng cho nhiệm vụ thu thập tin tình báo, ngoài ra còn phục vụ nỗ lực tuyên truyền phá hoại hình ảnh của Đài Loan.
Trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian qua xuất hiện hình ảnh binh sĩ Đài Loan trông ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy UAV. Một số hình ảnh khác cho thấy tương phản giữa thành phố Hạ Môn phát triển của Trung Quốc với điều kiện sinh hoạt khó khăn của binh sĩ Đài Loan trên các đảo đối diện. Một số nhà bình luận Trung Quốc còn chế giễu binh sĩ Đài Loan hành động ném đá UAV.
Với Đài Loan, UAV là công cụ mới trong chiến dịch gây sức ép và tâm lý chiến mà Trung Quốc thực hiện lâu nay. Hoạt động xâm phạm thường xuyên này buộc giới chức đảo tự trị phải phản ứng.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn từng khẳng định lực lượng Đài Loan sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước hành vi quấy rối. Chỉ hai ngày sau tuyên bố của bà, binh sĩ đảo tự trị bắn rơi một UAV dân sự ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Tìm cách đối phó lâu dài
Theo cựu quan chức Lầu Năm Góc Drew Thompson, lực lượng Đài Loan được trang bị để đối phó máy bay chiến đấu Trung Quốc thông thường chứ chưa quen với UAV quấy rối cỡ nhỏ hơn.
Khi Trung Quốc mới bắt đầu dùng đến UAV, đảo tự trị tỏ ra chưa được chuẩn bị và cũng không có đủ trang bị đối phó. Ông Thompson nhận xét: “Đài Loan vẫn chiến đấu theo kiểu cuộc chiến thế kỷ 20. Họ cần áp dụng các chiến lược tác chiến phi đối xứng (lực lượng hai bên chênh lệch lớn) thế kỷ 21”.
Sau lần bắn rơi UAV, Đài Loan gấp rút triển khai thiết bị gây nhiễu UAV đến Kim Môn và Mã Tổ - hai quần đảo gần Trung Quốc, phát ngôn viên cơ quan phòng vệ Trương Vinh Thuận cho biết.
Ông Thompson nhận định không có khả năng số UAV dân sự quấy rối Đài Loan thời gian qua do quân đội Trung Quốc tổ chức nên. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng có thể quân đội Trung Quốc ngầm điều tiết, hay ít nhất là dung túng cho người khác làm vậy.
Theo nhà phân tích Alan Dupont từng phục vụ trong quân đội Úc, bất kể ai đứng sau số UAV dân sự quấy rối Đài Loan đi nữa thì hành vi này vẫn là bước leo thang căng thẳng rất nghiêm trọng.
Ông cảnh báo trong tương lai nếu UAV bị Đài Loan bắn rơi không phải máy bay dân sự mà là máy bay quân sự, chẳng hạn TB-001, thì Trung Quốc có thể lấy cớ nhằm cáo buộc Đài Loan gây chiến.