Lạm phát ở Anh cao nhất 40 năm, doanh nghiệp Việt loay hoay tìm khách hàng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:18, 12/09/2022
Lạm phát của Anh vào tháng 7 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm khi giá thực phẩm và năng lượng tăng theo chiều xoắn ốc, tiếp tục gia tăng sức ép đối với các hộ gia đình.
Theo ước tính được Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh công bố ngày 17.8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo đồng thuận của Reuters là 9,8% và tăng từ mức 9,4% vào tháng 6. ONS cho biết giá lương thực tăng đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát hằng năm lớn nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7.
Đây cũng là một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn tại thị trường này. Theo đánh giá của Vụ Đa biên (Bộ Công Thương), thách thức đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt chính là gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng mạnh do giá xăng dầu tăng cao đã gây bất lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Trong thời gian tới, hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể gặp khó khăn khi đối mặt với giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cao.
Ví dụ các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam cho biết hiện các đơn hàng xuất khẩu gỗ giảm sút do phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường lớn như Anh, Mỹ, châu Âu đang có tỷ lệ lạm phát cao, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành gỗ, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động.
Đối với nhóm hàng dệt may, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày của ta gặp một số khó khăn đối với nguồn cung ứng nguyên-phụ liệu do bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng mới hoặc mở rộng sản xuất. Một số nhóm hàng nguyên-phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may nước ta được nhập khẩu hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Điều lo ngại cho chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất là các biện pháp phòng chống dịch từ Trung Quốc khiến việc nhập khẩu các sản phẩm phục vụ sản xuất gặp nhiều thách thức, không dễ dàng, thời gian giao hàng bị kéo dài...
Cùng với đó, các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về phát triển bền vững cũng là thách thức đáng lo ngại của doanh nghiệp Việt Nam. Khi xuất khẩu sang Anh, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với các yêu cầu tiêu chuẩn cao về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm... đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch kinh doanh, xây dựng và phát triển sản phẩm, thương hiệu bài bản. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến một số quy định về phát triển bền vững như lao động, môi trường... vì Anh là nước rất quan tâm đến các vấn đề này.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp Anh cũng như các nước khác, đặc biệt những nước đến từ vùng thuộc địa cũ của Anh. Đối với các doanh nghiệp của Anh, áp lực cạnh tranh đến từ sự hiểu rõ tập quán tiêu dùng của người Anh cũng như hệ thống tổ chức kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh đến từ các nước khác, bao gồm các vùng thuộc địa cũ của Anh là việc tiếp cận thị trường lâu hơn, có những kết nối về văn hóa sâu sắc hơn và kể cả khả năng phối hợp với các hệ thống kinh doanh tại Anh hiệu quả hơn.
Dù chúng ta đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế thương mại khác, song theo đánh giá của Vụ Đa biên, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh vẫn đạt mức tăng trưởng tốt.
Trong tháng 6.2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Anh đạt 536,3 triệu USD, tăng 20,4% so với tháng trước đó. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,91 tỉ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm sang Anh là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 492,8 triệu USD, giảm 26,8% (so với cùng kỳ năm 2021), chiếm tỷ trọng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là mặt hàng dệt may, trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 378,3 triệu USD, tăng 39%, chiếm tỷ trọng 12,9%; giày dép các loại đạt 357,2 triệu USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 12,2%. Các mặt hàng khác có tốc độ tăng trưởng khá gồm: cà phê tăng 138,8%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 31,5%; hạt tiêu tăng 26,7%; dây điện và dây cáp điện tăng 98,9%.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, năm 2021 thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỉ USD, tăng 16,4% so với năm 2020. Các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây-tre-cói-thảm tăng 56%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%.
Hiệp định UKVFTA tạo cho Việt Nam cơ hội hợp tác với Anh trong việc hợp tác xây dựng, cung ứng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, năng lượng. Anh là một nước có thế mạnh, năng lực về dược phẩm, các ngành công nghệ cao (công nghệ năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời), tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, Vụ Đa biên khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh. Đồng thời, doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp sang Anh tận dụng lợi thế từ UKVFTA.